Nội dung chính:
Giá vàng thế giới tăng cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua.
Trong vòng 1 ngày, vàng nhẫn SJC tăng 1,1 triệu đồng/lượng.
Người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ 12 tấn vàng trong quý III/2022.
Vàng thế giới tăng bùng nổ sau báo cáo lạm phát Mỹ
Nếu như tuần trước, giá vàng giằng co mạnh giữa những luồng quan điểm trái chiều thì sang tuần này, vàng thế giới tăng “phi mã”.
Từ phiên giao dịch ngày 9/11, giá vàng thế giới bắt đầu tăng mạnh, tái lập ngưỡng 1.700 USD/Ounce. Vì vàng là tài sản không lãi suất, được định giá bằng đồng USD, nên khi tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm thì giá vàng sẽ được hưởng lợi.
Do vậy, vàng thế giới đã tăng dữ dội trong ngày 11/11 sau khi số liệu thống kê của Mỹ cho thấy lạm phát ở nước này giảm mạnh hơn dự báo, đồng USD giảm giá sâu so với nhiều ngoại tệ khác. Ngoài ra, thị trường kim loại quý này còn được tiếp sức bởi sự tụt dốc của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi số liệu lạm phát được công bố.
Có thời điểm, giá vàng thế giới chạm mốc 1.765,1 USD/ounce, tương đương 52,9 triệu đồng/lượng. Đây là vùng giá cao nhất của vàng thế giới trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây.
Phản ánh tín hiệu tích cực của giá vàng, trong tuần qua Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng vàng trong 3 phiên từ 9 – 11/11, bổ sung 6,1 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 911,6 tấn vàng.
Chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước được rút ngắn
Trong tuần qua, giá vàng trong nước giữ nhịp tăng cùng chiều với vàng thế giới, tuy nhiên biên độ tăng không tương xứng. Trong phiên giao dịch ngày 11/11, trong khi vàng thế giới tăng khoảng 1,9 triệu đồng/lượng so với ngày hôm trước thì giá vàng miếng SJC tăng 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 10/11.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt phiên 11/11 với giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Đà tăng không tương xứng giữa hai thị trường vàng khiến cho chênh lệch giữa giá vàng SJC bán lẻ trong nước và giá vàng thế giới được thu hẹp về mức 14,7 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng nửa triệu đồng mỗi lượng. Còn vàng nhẫn đã tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng. Tăng mạnh nhất ở phiên 11/11, khi vàng nhẫn SJC tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên ngày hôm trước với mức giá niêm yết 53,4 triệu đồng/lượng mua vào và 54,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Tuy nhiên, nếu tính từ thời điểm giá vàng xác lập kỷ lục vào hồi tháng 3, hiện nay giá vàng miếng SJC vẫn “âm vốn” khoảng 7 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn tròn trơn cũng lỗ gần 2 triệu đồng/lượng.
Thời gian qua, giá vàng còn chịu nhiều sức ép nhưng nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt lại tăng vọt. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, trong quý III/2022, người tiêu dùng Việt Nam đã mua 12 tấn vàng, tăng 264% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa vì Covid-19 đã giúp hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam cũng giúp các công ty trở lại hoạt động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam tăng vọt.
Lợi nhuận của hai “ông lớn” ngành vàng Việt Nam là SJC và PNJ cũng tăng mạnh. 9 tháng đầu năm 2022, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 25.574 tỷ đồng (tăng 104% so với cùng kỳ) và 1.340 tỷ đồng (tăng 133% so với cùng kỳ). Trong khi đó Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận doanh thu 23.864 tỷ đồng và lợi nhuận 53 tỷ đồng trong cùng thời gian.