Đà giảm của ngô đã tiếp tục được đẩy mạnh: đánh mất 3,12% và đóng cửa ở mức 257,07 USD/tấn.
Những kỳ vọng của thị trường về con số diện tích gieo trồng tại Mỹ trong 2 báo cáo quan trọng được công bố vào thứ 5 tuần này là yếu tố lí giải cho diễn biến của mặt hàng này.
Bên cạnh đó, triển vọng thời tiết không khắc nghiệt giúp năng suất ổn định và đảm bảo sản lượng năm nay được cải thiện đã áp lực lên giá ngô.
Giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 9 cũng duy trì xu hướng giảm với phiên thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, xuống mức 337,13 USD/tấn.
Thông tin Mỹ và châu Âu đang ở trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung ở Nga có dấu hiệu nới lỏng hơn đã khiến cho giá giảm về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 cho tới nay.
Cơ quan theo dõi mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của Nga lên mức 88,8 triệu tấn, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, thông tin này đã củng cố thêm triển vọng về nguồn cung từ nước này và đã gây áp lực lên giá.
Thêm vào đó, hãng tư vấn IKAR cho biết giá FOB đối với lúa mì của Nga trong tuần trước là 400 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 420 USD/tấn của tuần trước đó.
Ở hướng ngược lại, nhóm đậu tương có dấu hiệu hồi phục.
Dầu đậu vẫn là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm khi được hỗ trợ từ diễn biến dầu thô và dầu cọ, chốt ở sát mức 1.448 USD/tấn, tăng 1,12%.
Những số liệu dự đoán của Reuters trước Báo cáo Diện tích gieo trồng sắp phát hành của USDA cũng tác động đáng kể đến giá đậu tương: hạ mức dự đoán diện tích gieo trồng đậu tương của Mỹ xuống 90,45 triệu mẫu, từ mức 90,95 triệu mẫu trong dự báo tháng 3 của USDA
Thông tin trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối qua đã góp phần hỗ trợ giá đậu tương hồi phục trở lại: giao hàng đậu tương trong tuần từ 17/06 đến 23/06 của Mỹ đạt 468.309 tấn, cao hơn so với mức 428.322 tấn trong báo cáo trước đó và mức 111.250 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu đậu cũng tiếp tục hồi phục trong phiên hôm qua trước những số liệu cho thấy xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đang bị hạn chế.
Mới đây, hãng tin Amspec Agri ước tính khối lượng xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 6 của nước này đạt 888.288 tấn, giảm 19,6% so với mức 1,11 triệu tấn cùng kỳ tháng trước.
Cũng trong tối qua, hãng tin Reuters cho biết sau khi giá dầu cọ thô giảm mạnh nhất trong vòng 13 năm qua, một số nhà máy xay xát dầu cọ ở Malaysia đã tạm dừng sản xuất do phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và chi phí đầu vào cao.
Điều này đã khiến cho lo ngại về nguồn cung dầu cọ bị thắt chặt quay trở lại, từ đó hỗ trợ giá dầu thực vật và gián tiếp hỗ trợ giá dầu đậu tương.