Thị trường khí đốt tiếp tục khó khăn, giá gas quốc tế giảm nhẹ

Nhật Đức | 12:42 02/12/2022

Giá gas quốc tế hôm nay giảm nhẹ về mức 6,73 USD/mmBTU. Đại diện IEA dự báo thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2023.

Thị trường khí đốt tiếp tục khó khăn, giá gas quốc tế giảm nhẹ
Thị trường khí đốt dự báo sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2023

Giá gas thế giới

Giá gas quốc tế (Hợp đồng tương lai khí tự nhiên Natural Gas - mã hàng hoá: NGE) hôm nay giảm 3,83% so với phiên giao dịch trước về mức 6,73 USD/mmBTU.

Châu Âu đã phải đối mặt với tình trạng siết chặt nguồn cung năng lượng trong năm nay khi Nga cắt đường ống dẫn khí đốt sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt để đáp trả cuộc chiến ở Ukraina vào cuối tháng 2, dẫn đến giá khí đốt tăng vọt.

Tại các quốc gia châu Âu, sự sụt giảm nguồn dự trữ năng lượng đã bắt đầu khi nhu cầu sử dụng năng lượng bùng nổ khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Mặc dù đã lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước thời hạn nhờ thời tiết ấm hơn vào mùa thu vừa qua và nhờ việc huy động các nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tuy nhiên, khi mùa đông vừa chớm đến, lượng khí đốt rút khỏi kho dự trữ của Đức đã bắt đầu tăng vào ngày 18/11 và tăng vọt từ ngày 28/11, khiến mức dự trữ đã bắt đầu sụt giảm. Tương tự, tại Liên minh Châu Âu (EU) nói chung, nhu cầu bắt đầu tăng vào khoảng ngày 14/11 và tăng mạnh từ ngày 28/11, khiến lượng dự trữ khí đốt giảm với mức tương ứng.

Theo thông tin của n-tv.de(Đức), Đức tuyên bố sẽ tăng đáng kể thuế đối với điện và năng lượng sưởi ấm. Đối với khí đốt, người dùng sẽ phải trả thêm 54% và đối với điện, tỷ lệ thậm chí nhiều hơn là 61%. Thay đổi thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023.

gas-2-12.png
Giá gas quốc tế hôm nay giảm 3,83% về mức 6,73 USD/mmBTU

Keisuke Sadamori, Giám đốc phụ trách thị trường và năng lượng của IEA(Cơ quan Năng lượng Quốc tế) cho biết: “Việc Nga xâm lược Ukraine và cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đang gây ra tác hại đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế - không chỉ ở châu Âu mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các dấu hiệu đều cho thấy thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2023.”

Giá gas trong nước

Tại thị trường trong nước, một số thương hiệu gas đã thông báo tăng giá bán gas từ 1/12. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.

Sau khi điều chỉnh giá, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.

Thương hiệu gas City Petro thông báo giá bán lẻ gas City Petro ở mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 496.500 đồng/bình nhựa VIP, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.

Với gas đến từ Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam có giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là 442.000 đồng với bình loại 12 kg và hơn 1.660.000 đồng cho 1 bình loại 45 kg.

plx.jpg
Gas Petrolimex thông báo tăng giá bán lẻ từ 1/12

Tại miền Bắc, Gas Petrolimex công bố giá bán lẻ tại thị trường Hà Nội sau đợt tăng giá ngày 1/12 là 440.900 đồng/bình 12kg và 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.

Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South) tăng giá gas bán lẻ của thương hiệu này thêm 1.167 đồng cho mỗi kg gas (bao gồm thuế VAT) từ 1/12. Giá sau khi tăng sẽ tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp khí đốt, 70% nguồn gas trong nước phải nhập khẩu từ thị trường châu Á như Trung Quốc, Qatar… Vừa qua, tình hình khí đốt trên thế giới xảy ra nhiều biến động khiến thị trường trong nước không tránh khỏi ảnh hưởng. Ngoài ra, tỷ giá USD biến động cũng khiến nguồn vốn nhập hàng của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường khí đốt tiếp tục khó khăn, giá gas quốc tế giảm nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO