Phiên sáng nay, dầu WTI tăng 0,35 USD/thùng lên mức 76,67 USD/thùng; Brent tăng 0,35 USD/thùng lên mức 83,51 USD/thùng.
Dầu thô đã trải qua tuần giao dịch ngày 20/2 -26/2 với các phiên tăng giảm trái chiều, khiến cho mặt hàng này đóng cửa tuần với mức thay đổi không quá mạnh so với tuần trước đó.
Cụ thể, dầu WTI giảm 0,3% xuống 76,32 USD/thùng, trong khi Brent tăng nhẹ 0,18% lên mức 82,82 USD/thùng.
Đầu tuần này, sức ép vĩ mô và dữ liệu tồn kho Mỹ tăng mạnh đã liên tục gây sức ép tới giá, tuy nhiên một số lo ngại về nguồn cung cũng đã hạn chế lực bán, đặc biệt là trong hai phiên cuối tuần.
Hiện tại, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn đối với việc phân bổ dòng tiền vào thị trường rủi ro trong bối cảnh lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay tăng lãi suất hơn dự kiến trước đây, sau loạt dữ liệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn “nóng”.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo lạm phát yêu thích của Fed đã tăng 0,6% trong tháng trước, mức tăng lớn nhất trong 6 tháng, đưa chỉ số này lên mức tăng 5,4% trong 12 tháng tính đến tháng 1 và đều vượt kỳ vọng của thị trường.
Điều này làm gia tăng rủi ro lãi suất sẽ còn tăng mạnh, với dự báo của các nhà kinh tế cho rằng mức lãi suất đỉnh có thể chạm 5,6% thay vì mức 5,1% như trước đó.
Theo đó, đây là nguyên nhân đã khiến cho đồng USD tăng giá mạnh mẽ so với các loại tiền tệ khác, phản ánh qua việc chỉ số USD Index có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Dòng tiền rời khỏi thị trường rủi ro, trong đó có dầu thô trước sức ép từ đồng bạc xanh, và lo ngại việc đẩy chi phí vay lên cao có thể làm suy yếu nền kinh tế và hạn chế sức tiêu thụ.
Tuy nhiên, tổng sản phẩm được cung cấp của Mỹ - một thước đo về nhu cầu, đã tăng 4,6% lên 20,22 triệu thùng trong tuần trước đã đem lại tín hiệu tích cực hơn và hạn chế đà giảm của giá.
Thêm vào đó, một vài rủi ro từ nguồn cung cũng giúp lực mua quay trở lại, đặc biệt là hai phiên cuối tuần. Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía tây tới 25% trong tháng 3, vượt quá mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày đã công bố có thể đẩy nguồn cung rơi vào trạng thái thắt chặt.
Vào ngày thứ Sáu vừa qua, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa cho mục đích quân sự cũng như các biện pháp hỗ trợ chiến tranh.
Rủi ro địa chính trị gia tăng cũng đã kéo giá dầu phục hồi trong phiên cuối tuần, và có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong tuần này.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Giá xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít, xăng RON 95 23.443 đồng/lít, dầu diesel 20.806 đồng/lít, dầu hỏa 20.846 đồng/lít, dầu mazut 14.251 đồng/kg.