Việt Nam nên làm gì sau khi bị Mỹ áp thuế 46%? Các chuyên gia đưa ra kịch bản giúp "biến nguy thành cơ"

Minh Hằng | 19:30 04/04/2025

Đây được đánh giá là kịch bản tốt nhất cho Việt Nam sau khi bị Mỹ áp thuế 46%.

Việt Nam nên làm gì sau khi bị Mỹ áp thuế 46%? Các chuyên gia đưa ra kịch bản giúp "biến nguy thành cơ"
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố về chính sách thuế đối ứng bên trong Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ tuyên bố áp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Như vậy, Việt Nam sẽ có  1 tuần để tìm phương án đàm phán và ứng phó.

Theo các chuyên gia, sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, thách thức đặt ra rất lớn, song đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách một cách căn bản và nâng cao năng lực hội nhập. Việc Thủ tướng thành lập tổ phản ứng nhanh về vấn đề này là một tín hiệu tích cực, kịp thời, giúp tập hợp những chuyên gia, nhà đầu tư… để cùng đưa ra giải pháp. Trước thực tế này, các chuyên gia đã đưa ra một kịch bản giải pháp cho Việt Nam.

Việt Nam nên làm gì sau khi bị áp thuế đối ứng 46%?

gd-amcham.jpg

Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff tại cuộc gặp báo chí vào chiều 3/4. Ảnh: DL

Tại cuộc họp báo vào chiều 3/4, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đã chia sẻ những đánh giá về thuế đối ứng của Mỹ với mức thuế quan 46% lên hàng hóa Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff cho biết, Việt Nam trước tiên cần vạch ra kế hoạch của mình là gì, kế hoạch A, kế hoạch B hay kế hoạch C là như thế nào, đồng thời quan sát các nước cũng bị áp thuế đối ứng triển khai những bước đi của họ ra sao.

Thứ hai, đừng nên áp thuế quan hay dựng lên các rào cản thương mại để trả đũa, bởi vì Tổng thống Trump đã nói ông sẽ đáp trả mạnh hơn nếu bị phản ứng theo cách đó.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai bên đang tốt. Theo ông Adam Sitkoff, ông Trump thích Việt Nam và người dân nơi đây. Ông ấy cũng biết rằng người Việt Nam có cảm tình với ông ấy.

"Ông Trump đã đến Việt Nam hai lần và tôi tin sẽ sớm trở lại", ông Adam Sitkoff chia sẻ.

Giám đốc điều hành AmCham cho rằng: "Mức thuế 46% càng kéo dài thì càng bất lợi cho Việt Nam. Nếu tôi có thể chỉ ra điều gì đó tích cực thì đó là việc Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ và do đó các quan chức cấp cao của Việt Nam có thể dễ dàng nói chuyện và đàm phán với những người trong chính quyền Trump".

Ông Adam Sitkoff nhấn mạnh, còn một tuần nữa mức thuế 46% mới có hiệu lực. Ông tin Việt Nam vẫn còn thời gian để xoay chuyển vấn đề.

"Chúng ta đã thấy ông Trump thay đổi ý định thế nào với Canada hay Mexico. Tôi tin sẽ có những ngành và những mặt hàng được miễn áp dụng mức thuế mới", Giám đốc điều hành AmCham chia sẻ.

Tương tự ông Adam Sitkoff, TS Jonathan R. Pincus, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Trường đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể ứng phó được trước việc Mỹ áp thuế đối ứng.

Theo quan sát của TS Pincus, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế năng động và ngày càng đa dạng. Để ứng phó với những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, Việt Nam sẽ cần có một cách tiếp cận linh hoạt, đồng thời phải đàm phán theo từng trường hợp nếu có thể và chuẩn bị những phương án thay thế.

Thuế quan Mỹ là một thách thức cho Việt Nam, nhưng ông Pincus tin đây cũng là thử thách mà nền kinh tế này có thể ứng phó được.

3 giải pháp quan trọng cho Việt Nam sau khi bị Mỹ áp thuế

Trao đổi với Tuổi trẻ, GS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán, bởi vì mức thuế đối ứng này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại. Theo GS, Việt Nam đã và cần tiếp tục thể hiện thiện chí hợp tác bằng cách thành lập nhóm chuyên trách đàm phán cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các cơ sở pháp lý, kinh tế để đưa ra những đề xuất hợp lý.

GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, Việt Nam cần hết sức tránh cách ứng xử "đáp trả qua lại" của một số nước. Thay vào đó, hãy coi đây là một cơ hội thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn, tính thông tuệ của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

gs-vu-minh-khuong.jpg
GS Vũ Minh Khương cho rằng từ nay đến ngày 9/4, việc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ cần được tiến hành ngay lập tức. Ảnh: VGP

Vị GS này đề xuất 3 giải pháp quan trọng cho Việt Nam, trong đó có 2 vấn đề ưu tiên làm ngay.

Thứ nhất, Việt Nam nên có tiến hành thảo luận ngay với Mỹ và đảm bảo sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ được thụ hưởng chính sách ưu đãi cao nhất có thể. Việt Nam cũng có thể đơn phương coi Mỹ như một đối tác của Hiệp định thương mại tự do và và sớm tiến tới ký kết hiệp định này. Theo GS, trong nỗ lực này, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm và mô hình từ Singapore.

"Nếu chúng ta dốc sức đàm phán trên tinh thần hợp tác toàn diện và triệt để ở mức cao nhất có thể thì mức thuế quan của Mỹ vào hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm xuống mức 10% như đối với Singapore", GS Vũ Minh Khương cho biết.

Thứ hai, theo GS Vũ Minh Khương, các bộ ngành, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương Việt Nam cần có những cuộc thảo luận kịp thời với những doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy một cuộc cải cách sâu rộng để tăng giá trị giá tăng, thay vì thiên lệch về tăng giá trị xuất khẩu nhưng lại thu về không được tương xứng. Việc cải cách khu vực này cần được làm đồng bộ không chỉ ở cải thiện môi trường kinh doanh mà còn ở mảng công nghiệp hỗ trợ, tăng năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, về lâu dài, Việt Nam cần chú trọng hợp tác toàn diện với các quốc gia để giảm thiểu rủi ro tập trung vào một vài thị trường lớn.

Theo các chuyên gia, sau khi Mỹ áp thuế đối ứng, thách thức đặt ra rất lớn, song đây cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách một cách căn bản và nâng cao năng lực hội nhập. Việc Thủ tướng thành lập tổ phản ứng nhanh về vấn đề này là một tín hiệu tích cự, kịp thời, giúp tập hợp những chuyên gia, nhà đầu tư… để cùng đưa ra giải pháp.

Trao đổi với báo Chính phủ, GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, từ nay đến ngày 9/4, việc đàm phán cần được tiến hành ngay lập tức. Bởi đây là thời điểm quan trọng để tận dụng mọi kênh đối thoại, huy động những chuyên gia hàng đầu và những người bạn của Việt Nam tại Mỹ nhằm tìm ra giải pháp tối ưu. Nếu làm tốt thì đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam vượt qua khó khăn mà còn là một "cú hích" để thực hiện những cải cách mang tính nền tảng, từ đó giúp đất nước vươn lên mạnh mẽ hơn trong tương lai.


(0) Bình luận
Việt Nam nên làm gì sau khi bị Mỹ áp thuế 46%? Các chuyên gia đưa ra kịch bản giúp "biến nguy thành cơ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO