Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua những phiên giao dịch đáng nhớ sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam. Chỉ hai phiên giao dịch thứ Năm và thứ Sáu, VN-Index mất 107 điểm, xoá đi toàn bộ mức tăng của chỉ số chính từ đầu năm. Áp lực chốt lời bao trùm trên diện rộng đẩy hàng trăm cổ phiếu giảm sàn, kèm theo tình trạng “trắng bên mua”.
Những nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu giảm sâu dễ dàng rơi vào trạng thái thấp thỏm, lo âu khi chứng kiến giá trị tài khoản bốc hơi chỉ trong chớp mắt. Đặc biệt, với những người tham gia muộn, chạy theo đà tăng khi giá đã chạm đỉnh nhiều tháng sau đó bị “kẹp hàng” là điều rất dễ xảy ra, nhất là trong bối cảnh sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) phổ biến.
Thực tế, tại một thị trường biến động như Việt Nam, câu chuyện “lướt sóng" trở thành cổ đông bất đắc dĩ” không còn xa lạ. Song, không phải ai cũng đủ tỉnh táo và kinh nghiệm để xử lý tình huống khi tài khoản rơi vào thế khó.
Giữ bình tĩnh, phân tích cẩn trọng
Các chuyên gia nhận định, khi bị “kẹp hàng”, điều đầu tiên nhà đầu tư cần làm là đánh giá tình hình thị trường một cách khách quan. Nếu thị trường giảm mạnh, cần xác định liệu đó chỉ là đợt điều chỉnh ngắn hạn hay dấu hiệu của xu hướng giảm dài hạn (downtrend).
Trong trường hợp thị trường chỉ điều chỉnh cục bộ, thường sau đó sẽ xuất hiện phiên hồi phục với thanh khoản lớn. Khi đó, nhà đầu tư có thể yên tâm tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Ngược lại, nếu các phiên giảm kéo dài kèm thanh khoản yếu, đây là tín hiệu cảnh báo cần thận trọng, và tuyệt đối tránh “bắt đáy” trong lúc cổ phiếu lao dốc.
Tỉnh táo và phân tích kỹ lưỡng là yếu tố then chốt để tìm lối thoát. Dù không có giải pháp nào hoàn hảo, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số cách xử lý nhằm hạn chế tổn thất, đặc biệt khi sử dụng margin khiến áp lực càng gia tăng.
Cắt lỗ quyết liệt: Đau nhưng cần thiết
Chấp nhận cắt lỗ khi cổ phiếu giảm sâu là điều chẳng dễ dàng, nhất là với tâm lý “chưa bán là chưa lỗ” hay kỳ vọng “giá sẽ sớm hồi phục”. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc nhà đầu tư thuộc nhóm dài hạn hay lướt sóng ngắn hạn.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi phần lớn là nhà đầu tư cá nhân và đầu cơ ngắn hạn, việc cắt lỗ nhanh chóng là cách bảo vệ vốn hiệu quả. Nhà đầu tư có thể đặt ra một mức lỗ tối đa là ngưỡng cắt lỗ và cần phải tuân thủ tuyệt đối.
Cắt lỗ từng phần: Giảm áp lực, linh hoạt ứng phó
Khi tài khoản chứng khoán lỗ đậm, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, muốn cắt lỗ nhưng sợ bán đúng đáy. Nếu thị trường tiếp tục xấu đi, khoản lỗ càng phình to. Trong tình huống này, một giải pháp nhà đầu tư có thể sử dụng là bán bớt một phần danh mục để giảm áp lực, phần còn lại giữ lại để chờ cơ hội.
Nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư có thể bán nốt phần còn lại hoặc chuyển sang nắm giữ dài hạn. Phương án xử lý này có thể giúp giảm bớt gánh nặng tâm lý và mức lỗ không còn quá lớn so với việc giữ nguyên toàn bộ danh mục. Ngược lại, nếu thị trường hồi phục, nhà đầu tư vẫn còn cổ phiếu để hưởng lợi, đồng thời tận dụng số tiền từ việc cắt lỗ để tái đầu tư khi thời cơ đến. Tuy nhiên, mọi quyết định cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đặc biệt, việc bình quân giá (mua thêm để giảm giá vốn) cần cực kỳ thận trọng. Đây là chiến thuật mạo hiểm, chỉ phù hợp với cổ phiếu có nền tảng tốt và tiềm năng tăng trưởng. Với các mã đầu cơ, đà giảm sâu có thể kéo dài, khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh “lỗ chồng lỗ”.
“Gồng lỗ” chờ hồi phục
Một hướng đi khác nhà đầu tư có thể nghĩ tới là kiên nhẫn nắm giữ, chờ thị trường qua cơn bão. Thực tế, nhìn dài hạn thị trường chứng khoán thường có xu hướng tăng trưởng. Vì vậy, nếu chưa kịp thoát hàng, nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ và chờ đợi cơ hội phục hồi.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng. Trong các đợt giảm mạnh, cả cổ phiếu tốt lẫn xấu đều chịu áp lực điều chỉnh. Nhưng khi thị trường bật lại, những mã có nền tảng vững chắc thường hồi phục nhanh thậm chí vượt đỉnh cũ, trong khi cổ phiếu đầu cơ có thể tiếp tục lao dốc mà không biết ngày trở lại. Do đó, quyết định “gồng lỗ” cần dựa trên đánh giá triển vọng doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào hy vọng.
“Con dao hai lưỡi” margin cần thận trọng
Việc sử dụng margin được nhà đầu tư xem là công cụ giúp gia tăng lợi nhuận trong xu hướng tăng. Tuy nhiên áp lực đòn bẩy cũng sẽ phóng đại mức thua lỗ khi thị trường đảo chiều. Ngay cả khi nắm giữ cổ phiếu tốt, nhà đầu tư sử dụng margin vẫn khó “gồng lỗ" lâu dài do chi phí lãi vay không nhỏ. Hơn nữa, nguy cơ bị “call margin” hay “force sell” (ép bán) từ công ty chứng khoán khi cổ phiếu chạm ngưỡng cảnh báo càng khiến tình hình thêm căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, việc quản lý đòn bẩy tài chính chặt chẽ và chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó là điều tối quan trọng để tránh rơi vào vòng xoáy thua lỗ không kiểm soát.