Trong khi các nhà rang xay cà phê đang lao đao vì giá nguyên liệu tăng gấp đôi thì người tiêu dùng cũng phải đối mặt với việc giá các sản phẩm cà phê tăng khoảng 20-25% trong những tuần tới.
Các nhà rang xay như Lavazza, Illy, Nestle và nhà sản xuất Douwe Egberts JDE Peet's hiện đang đàm phán với các nhà bán lẻ về việc chuyển gánh nặng chi phí từ việc giá cà phê nguyên liệu arabica tăng gần gấp đôi trong năm qua sang cho người tiêu dùng.
Giá arabica thô đã tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung 4 mùa liên tiếp bởi thời tiết bất lợi khiến việc trồng đủ khối lượng hạt cà phê mỏng manh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.
Khi các nhà rang xay gây sức ép tăng giá, các cửa hàng tạp hóa và siêu thị phản đã ứng lại bằng việc trì hoãn việc ký kết các hợp đồng cung cấp mới, dẫn đến tình trạng nhiều cửa hàng không còn cà phê để bán.
Chẳng hạn như chuỗi siêu thị Albert Heijn - chuỗi siêu thị lớn nhất ở Hà Lan, đã hết các sản phẩm cà phê như Douwe Egberts và Senseo.
Sau đó, đến ngày 20/3, trên các kệ hàng của Albert Heijn đã xuất hiện trở lại các sản phẩm cà phê, nhưng giá đã được điều chỉnh tăng một chút, một phát ngôn viên của Albert Heijn cho biết sau khi công ty kết thúc các cuộc đàm phán với JDE Peet's, một trong những nhà rang xay cà phê hàng đầu thế giới.
"Giá mua sản phẩm của của JDE đã tăng đáng kể. Chúng tôi sẽ chịu một phần mức tăng này để giữ cho sản phẩm có giá cả phải chăng", người phát ngôn của Albert Heijn cho biết.
JDE Peet's đã cảnh báo rằng lợi nhuận của họ sẽ sụt giảm trong năm nay do chi phí cà phê tăng vọt, và cho biết bế tắc trong giao dịch với người mua ở Hà Lan và Đức do vấn đề giá cả đã khiến một số sản phẩm của công ty không còn trên kệ. Tuy nhiên, JDE cho biết thêm rằng kể từ đó, công ty đã hoàn tất 90% các cuộc đàm phán giá cả trên phạm vi toàn cầu.
Giá arabica, loại cà phê thường được sử dụng trong hỗn hợp cà phê rang và xay, năm nay tăng hơn 20% trên toàn cầu, sau khi đã tăng vọt 70% vào năm ngoái khi Brazil – nước sản xuất gần một nửa cà phê arabica của thế giới – trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước này.

Biến động giá arabica hàng năm: tăng gần 22% từ đầu năm 2025 đến nay (so với cùng kỳ năm 2024).
Trung bình, hạt cà phê thô chiếm khoảng 40% giá bán buôn của một bao cà phê rang và xay.
Điều đó có nghĩa là nếu mức tăng mạnh của giá cà phê thô trong năm 2024 được thể hiện hoàn toàn ở giá bán sản phẩm trong năm nay thì sẽ tương đương giá cà phê đến tay người tiêu dùng sẽ tăng 28%, Reg Watson, giám đốc nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Dutch Bank ING cho biết.
Ông Watson tin rằng giá sẽ tăng 15%-25% và ở một số thị trường, người tiêu dùng có thể phải chấp nhận mức này chỉ sau một lần tăng.
Thậm chí, ở một số quốc gia có nội tệ đang giảm đáng kể so với USD thì mức tăng giá các sản phẩm cà phê còn nhiều hơn nữa. Trong đó có Brazil, quốc gia tiêu thụ đồ uống lớn thứ hai thế giới đồng thời cũng là quốc gia trồng nhiều cà phê nhiều nhất thế giới.
3 Coracoes, một công ty rang xay cà phê lớn của Brazil, hôm 1/3/2025 đã gửi thông báo tới các khách hàng của họ về việc nâng giá cà phê rang xay thêm 14,3%, sau khi đã tăng 11% hồi tháng 1/2025 và tăng 10% vào tháng 12/2024 (3 lần tăng liên tiếp chỉ trong vòng 4 tháng).
Hiệp hội rang xay cà phê Brazil ABIC cho biết giá ở nước này tăng mạnh vì tính theo tiền real (nội tệ của Brazil) thì giá hạt cà phê thô tại Brazil đã tăng 170% vào năm 2024.
Giá cà phê bán tại các cửa hàng ở Brazil đã tăng mạnh, 40%, trong đó phần lớn tăng vào đầu tháng 3/2025.
Chủ tịch ABIC, ông Pavel Cardoso, cho biết: "Mọi người đã bắt đầu hạn chế, thay đổi thói quen của mình. Nếu trước đây họ thường pha một ấm lớn ở nhà cho gia đình, đôi khi vứt những gì còn thừa xuống bồn rửa, thì giờ họ đã giảm khối lượng nguyên liệu khi pha theo hướng tiết kiệm tối đa".
Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy khối lượng cà phê rang xay tiêu thụ ở Bắc Mỹ và châu Âu, cho đến nay là những khu vực tiêu thụ cà phê rang xay lớn nhất thế giới, đã giảm 3,8% trong năm 2024 sau khi giá tăng 4,6%.
Với việc giá cà phê năm nay dự kiến tăng mạnh hơn nhiều so với năm ngoái, dự kiến lượng tiêu thụ cà phê sẽ còn giảm thêm nữa.
Nhà sản xuất cà phê Folgers J M Smucker, có sản phẩm bán cho các nhà bán lẻ tại Mỹ như Walmart và Target, dự kiến khối lượng cà phê tiêu thụ sẽ giảm trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 5/2025 khi giá các sản phẩm cà phê bán ra dự kiến sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng hơn nữa, giám đốc tài chính của hãng, Tucker Marshall. Folgers J M Smucker cũng bán cà phê Dunkin và Cafe Bustelo và đã tăng giá 2 loại này vào tháng 6 và tháng 10 năm ngoái.

Mức độ biến động giá cả/khối lượng cà phê bán ở Bắc Mỹ: Giá tăng, tiêu thụ giảm.
Nhưng dù thế nào thì việc giá cà phê nguyên liệu tăng mạnh cũng là một đòn giáng vào lợi nhuận chung, thậm chí không chừa cả chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks – vốn ít bị ảnh hưởng hơn nhiều so với JDE Peet's vì hạt cà phê thô chỉ chiếm chưa đến 2% giá thành của một tách cà phê trong quán cà phê Starbucks.
Trong khi đó, những người rang xay và thương nhân đang mua càng ít cà phê càng tốt vì họ đang rất khó khăn trong việc chuyển chi phí tăng sang các siêu thị. Reuters dẫn thông tin từ giám đốc điều hành tại một công ty lưu trữ lớn cho biết các kho chứa cà phê gần các cảng của Mỹ hiện chỉ còn một nửa khối lượng dự trữ bình thường.

Thị trường cà phê Mỹ: Các thương hiệu lớn chiếm thị phần gấp 2-3 lần các nhãn hiệu nhỏ.
Tham khảo: Reuters