Theo Chinhphu.vn, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là một quyết định rất đáng tiếc – nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, mà còn làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.
Theo ông Dũng, mức thuế nói trên được đưa ra dựa trên thông tin cho rằng Việt Nam áp thuế 90% lên hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là con số cần được kiểm chứng khách quan và trao đổi một cách thẳng thắn, minh bạch và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Trên thực tế, Việt Nam luôn nghiêm túc thực thi các cam kết thương mại quốc tế, kể cả trong khuôn khổ WTO lẫn các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Cũng theo ông Dũng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn luôn là một đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ - nhất quán trong chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Việt Nam sẵn sàng đối thoại có lý, có tình, trên tinh thần xây dựng, và kiên quyết không chọn đối đầu như một phương thức ứng xử quốc tế.
Ông Dũng cho rằng, chính sách thương mại luôn có tính linh hoạt cao, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi các quyết định hành pháp có thể chịu điều chỉnh bởi Quốc hội, doanh nghiệp và chính công luận Mỹ.
“Việc công bố mức thuế mới là một tuyên bố chính trị và đàm phán - chưa hẳn là cánh cửa khép lại cho hàng hóa Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức thương mại Mỹ vốn đang có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam sẽ lên tiếng, bởi chính họ cũng chịu thiệt hại”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP…), mở ra các thị trường rộng lớn từ EU đến châu Á - Thái Bình Dương. Sự đa dạng hóa thị trường là một chiến lược dài hạn đúng đắn, giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc đơn phương.
“Hơn nữa, với tư cách là một nền kinh tế tuân thủ luật chơi toàn cầu, Việt Nam có quyền sử dụng các kênh đàm phán song phương và đa phương, từ WTO cho tới các cơ chế giải quyết tranh chấp. Chúng ta có kinh nghiệm, có đội ngũ pháp lý và có niềm tin quốc tế - điều này rất khác với hình ảnh một nền kinh tế nhỏ và dễ tổn thương như trước đây”, TS Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá.
Trong nguy có cơ
Nhận định về tác động của động thái thuế quan mới đây của Hoa Kỳ, TS Nguyễn Sĩ Dũng choằng việc siết lại thương mại có thể là một cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình xuất khẩu. Thay vì phụ thuộc vào gia công, lắp ráp – đây là lúc chúng ta cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, và tiến tới sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.
Cũng theo ông Dũng, việc dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn lại càng củng cố vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân trong nước - lực lượng đang ngày càng năng động, sáng tạo và khát khao vươn lên. Điều này cũng tạo áp lực tích cực để Việt Nam sắp xếp lại chuỗi cung ứng, hướng tới sự tự chủ chiến lược, không quá phụ thuộc vào một nguồn vốn hay thị trường nào.
“Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới, đẩy mạnh kinh tế trong nước là con đường bắt buộc. Đây là thời điểm cần có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và trúng đích, tập trung vào đầu tư công hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Song song với đó, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thể chế – từ môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đến chính sách thuế, đất đai, khoa học công nghệ. Cải cách không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để nâng cao sức chống chịu và khả năng bứt phá.
Đây cũng là lúc mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải bứt phá vươn lên, phát huy nội lực, sáng tạo và bản lĩnh để cùng đất nước vượt qua giai đoạn thử thách. Một nền kinh tế khỏe mạnh không thể chỉ trông vào bên ngoài – mà phải được nuôi dưỡng từ khát vọng phát triển bên trong”, TS Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá.