Chuyện của quốc gia bị Mỹ áp thuế gần 70%: 440 tỷ USD hàng hoá 'không biết đi đâu về đâu'

An Chi | 21:22 04/04/2025

Mức thuế quan khoảng 70% mà Tổng thống Trump áp dụng với Trung Quốc có khả năng tạo ra một vấn đề mới cho nền kinh tế toàn cầu: 400 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc đang đi “săn lùng” các thị trường mới.

Chuyện của quốc gia bị Mỹ áp thuế gần 70%: 440 tỷ USD hàng hoá 'không biết đi đâu về đâu'

Từ ngày 9/4, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với mức thuế trung bình khoảng 70% với hàng hoá Trung Quốc sau khi Washington áp thuế mạnh với hàng hoá từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mức thuế mới có thể sẽ đẩy giá hàng hoá tại Mỹ lên cao, ví dụ như các sản phẩm đồ điện tử tiêu dùng, đồ chơi cho đến máy móc, các thành phần thiết yếu cho sản xuất.

Theo các nhà kinh tế, “bức tường” thuế quan cũng có thể sẽ đẩy hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sang những thị trường khác vốn đã “tràn ngập” bởi hàng giá rẻ. Các nhà kinh tế nhận định chiến tranh thương mại có thể leo thang, thúc đẩy nhiều quốc gia tung ra các biện pháp trả đũa và “dựng lên” các rào cản “phòng thủ”.

Kế hoạch áp thuế quan mới với một loạt đối tác thương mại lớn của Mỹ đã được Tổng thống Trump công bố vào hôm 3/4. Trung Quốc chịu mức thuế 34%, trong khi trước đó đã bị áp thuế 10% vào tháng 2 và thêm 10% vào tháng 3 cùng một loạt mức thuế được áp đặt từ thời chính quyền tiền nhiệm. Theo các nhà kinh tế, mức thuế trung bình mà hàng hoá Trung Quốc phải chịu là khoảng 70%.

Các quốc gia khác sẽ gặp khó khăn trong việc “hấp thụ” số hàng hoá vốn được Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ, nước này đã nhập khẩu khoảng 440 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc vào năm 2024. 

Dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, một cơ quan của Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới, cho thấy, năm 2023, Trung Quốc là nguồn cung cấp 1/5 sản phẩm sắt và thép nhập khẩu vào Mỹ, hơn 1/4 thiết bị điện tử nhập khẩu, 1/3 giày dép nhập khẩu và 3/4 đồ chơi nhập khẩu. 91% ô nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc.

Song, lượng hàng hoá mà Mỹ nhập từ Trung Quốc khó có thể giảm xuống mức 0 trong một thời gian ngắn. Dù có thể tìm thấy một vài lựa chọn thay thế, nhưng các nhà sản xuất ở Mỹ vẫn gia công hoặc nhập phần lớn vật liệu từ Trung Quốc.

Việc Mỹ nhập ít hàng hoá Trung Quốc hơn cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm này sẽ phải đi đến thị trường khác. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt vốn đã khiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nền kinh tế lớn trên thế giới leo thang. 

Theo Global Trade Alert, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ chuyên theo dõi chính sách thương mại toàn cầu, kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm 2018, Trung Quốc là trung tâm của gần 500 phán quyết trọng tài quốc tế và cuộc điều tra chống bán phá giá.

Chỉ riêng năm ngoái, Brazil đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với kim tiêm, sợi quang, máy phun khí dung và lưới polyester nhập khẩu từ Trung Quốc. Mexico và Canada đã mở cuộc điều tra về nhôm, thép và hóa chất, trong khi cơ quan bảo vệ thương mại của Vương quốc Anh đề xuất máy đào từ Trung Quốc phải chịu thuế chống bán phá giá lên tới 84% sau khi hàng nhập khẩu ồ ạt. Liên minh châu Âu đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc sau một cuộc điều tra kết luận rằng các nhà sản xuất ô tô nước này đã nhận được các khoản trợ cấp lớn.

“Không có thị trường lớn nào khác có thể dễ dàng hấp thụ quy mô sản xuất khổng lồ của Trung Quốc", theo Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ.

Các nhà kinh tế cho biết cách để xoa dịu căng thẳng thương mại là Trung Quốc tăng chi tiêu trong nước. Điều này có thể tăng khả năng giúp hấp thụ sản lượng công nghiệp và thu hút thêm hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Bắc Kinh đã công bố kế hoạch vay và chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với quy mô của “đòn” thuế quan mới nhất, các nhà kinh tế cho rằng có lẽ Bắc Kinh sẽ cần làm nhiều hơn nữa. Nước này có thể phải cắt giảm lãi suất, chính phủ đi vay nhiều hơn và tìm cách khôi phục niềm tin của người tiêu dùng đang suy yếu.

Yu Xiangrong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citi, cho biết nếu không có thêm biện pháp kích thích, các thuế quan bổ sung sẽ làm giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.

Tham khảo WSJ


(0) Bình luận
Chuyện của quốc gia bị Mỹ áp thuế gần 70%: 440 tỷ USD hàng hoá 'không biết đi đâu về đâu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO