The Economist: Đã đến lúc sửa luật ngân hàng

Thiên Minh | 14:50 17/03/2023

Việc tăng lãi suất đã phơi bày rủi ro khi để các ngân hàng nhỏ “tự do” đầu tư bằng tiền gửi của khách hàng. Một lần nữa, cả hệ thống cần phải được sửa đổi.

The Economist: Đã đến lúc sửa luật ngân hàng
Minh họa: Shutterstock

Nội dung chính:

  • Lãi suất tăng nhanh chưa từng có khiến giá trái phiếu kho bạc mà các ngân hàng nắm giữ lao dốc, tạo nên khoản lỗ khổng lồ - dù khoản lỗ đó chưa được ghi nhận nếu ngân hàng chưa bán trái phiếu. 
  • Fed bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, đảm bảo người dân không còn động cơ để rút tiền, có thể khiến các ngân hàng càng trở nên bất cẩn trong quản lý tài sản. 
  • Cần phải thay đổi luật, yêu cầu các ngân hàng tăng bộ đệm dự phòng khi xuất hiện các khoản lỗ chưa thực hiện.

Chỉ mới mười ngày trước, mọi người còn tưởng các lỗ hổng của hệ thống ngân hàng đã được vá lại sau cơn ác mộng khủng hoảng tài chính 2007-2009. Thế mà giờ đây khách hàng gửi tiền vẫn bị ngân hàng dọa sợ đứng tim. 

Sụp đổ dây chuyền

Làn sóng ồ ạt rút tiền tại ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã khiến 42 tỷ USD tiền gửi bốc hơi chỉ trong một ngày 9/3. Một tuần sau đó, hai nhà băng Mỹ khác là Signature và Silvergate nối tiếp sụp đổ. 

Các nhà làm luật hốt hoảng làm việc cả hai ngày cuối tuần để tìm ra phương án cứu trợ. Nỗ lực là thế nhưng khách hàng vẫn không ngừng hỏi liệu tiền của họ còn hay mất.

Các nhà đầu tư lo sợ hơn cả. Vốn hóa thị trường của các ngân hàng tại Mỹ đã sụt giảm 229 tỷ USD, tương đương 17% trong tháng Ba. 

Lợi suất Trái phiếu Kho bạc lao dốc và thị trường cho rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào hè này. 

Giá cổ phiếu các ngân hàng ở châu Âu và Nhật Bản cũng giảm sốc. Credit Suisse, ngân hàng châu Âu đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, chứng kiến giá cổ phiếu sụt 24% trong ngày 15 và 16/3 và phải tìm kiếm hỗ trợ thanh khoản từ ngân hàng trung ương Thụy Sỹ. 

Sai lầm của nhà quản lý

14 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, câu hỏi một lần nữa lại xoáy quanh việc các ngân hàng dễ tổn thương như thế nào, và liệu cơ quan quản lý đã nhận ra sai lầm hay chưa.

Tốc độ sụp đổ chóng vánh của SVB đã soi tỏ nguy cơ không được quan tâm đúng mực trong hệ thống ngân hàng. 

Khi lãi suất thấp và giá trị tài sản ở mức cao, ngân hàng của giới khởi nghiệp đặt trụ sở tại bang California đã mua vào lượng lớn trái phiếu dài hạn. Khi Fed nâng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ, giá trái phiếu lao dốc và SVB chịu khoản lỗ khổng lồ. 

Quy tắc tài chính của Mỹ không yêu cầu phần lớn nhà băng phải tính đến sự sụt giá trái phiếu họ nắm giữ tới lúc đáo hạn. Chỉ những ngân hàng lớn nhất mới phải hạch toán theo giá thị trường tất cả số trái phiếu họ đang mua bán. 

Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ từ sự cố của SVB, nếu một ngân hàng cần tiền và phải bán đi trái phiếu, các khoản lỗ sẽ được ghi nhận ngay lập tức.

Rủi ro từ đầu tư trái phiếu

Trong khắp hệ thống ngân hàng Mỹ, những khoản lỗ chưa ghi nhận do sụt giá trái phiếu lớn không tưởng: 620 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương đương khoảng 1/3 tổng vốn dự phòng của các ngân hàng Mỹ.

May mắn là, những ngân hàng khác chưa đến bờ vực phá sản như SVB. Thế nhưng lãi suất trên đà tăng cũng khiến toàn hệ thống suy yếu.

Trong khắp hệ thống ngân hàng Mỹ, những khoản lỗ chưa ghi nhận do sụt giá trái phiếu lớn không tưởng: 620 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương đương khoảng 1/3 tổng vốn dự phòng của các ngân hàng Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 là kết quả của cho vay bất cẩn và bong bóng địa ốc. Do vậy, các quy định đề ra sau đó tìm cách giới hạn rủi ro tín dụng và đảm bảo các ngân hàng có tài sản đảm bảo bán đi được. 

Các quy định cũng khuyến khích các nhà băng mua trái phiếu chính phủ: sau cùng, không ai uy tín hơn Chính phủ và không gì dễ bán đi trong khủng hoảng hơn Trái phiếu Kho bạc.

Nhiều năm lạm phát và lãi suất thấp đồng nghĩa ít người nghĩ tới việc các nhà băng sẽ thiệt hại ra sao nếu tình hình thay đổi và trái phiếu có kỳ hạn dài hơn rớt giá. 

Điểm yếu này tệ hại hơn trong đại dịch, khi người dân gửi tiền vào ngân hàng và các gói cứu trợ của Fed bơm thêm tiền vào thị trường. 

Nhiều nhà băng dùng tiền ký gửi để mua trái phiếu dài hạn và chứng khoán thế chấp bằng tài sản do chính phủ bảo đảm.

Có người nghĩ rằng thua lỗ chưa ghi nhận thì chẳng sao. Tuy nhiên vấn đề là SVB đã mua trái phiếu bằng tiền của người khác, thường là bằng tiền gửi của khách. 

Giữ một trái phiếu cho đến khi đáo hạn đòi hỏi phải liên tục có khoản tiền tương ứng sẵn có để trả cho khách, và khi lãi suất tăng, cạnh tranh huy động tiền gửi giữa các ngân hàng cũng tăng.

Tại những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, chẳng hạn JPMorgan Chase, khách hàng khá trung thành, nên lãi suất tăng có xu hướng đẩy thu nhập của ngân hàng lên cao, nhờ vào cho vay với lãi suất thả nổi. 

Ngược lại, khoảng 4.700 ngân hàng vừa và nhỏ với tổng giá trị tài sản 10,5 nghìn tỷ USD phải trả thêm cho người gửi tiền để họ đừng rút tiền ra. Điều này khiến lợi nhuận của ngân hàng co hẹp – từ đó mà giá cổ phiếu lao dốc.

Rủi ro khác

Còn một vấn đề khác ảnh hưởng đến mọi ngân hàng, bất kể lớn nhỏ. 

Trong một cuộc khủng hoảng, khách gửi tiền vốn trung thành cũng có thể tháo chạy, buộc ngân hàng phải bán tài sản để chi trả. 

Nếu như vậy, thua lỗ của ngân hàng sẽ tức khắc thành hiện thực. Dự phòng vốn ngày nay trông có vẻ “êm ái”, thì đột ngột chỉ còn là con số trên sổ sách.

Viễn cảnh đáng báo động đó giải thích tại sao Fed có hành động vội vã cứu nguy trong cuối tuần qua. 

Từ ngày 12.3, Fed đã sẵn sàng cho các ngân hàng vay thế chấp, tài sản đảm bảo chính là số trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ.

Đặc biệt hơn cả, giá trị khoản vay ngang bằng với mệnh giá trái phiếu. Với một số trái phiếu dài hạn, khoản vay này hời hơn 50% so với giá thị trường. 

Được cho vay khoản lớn như vậy, ngân hàng sẽ đủ tiền để chi trả, và khách hàng cũng không còn lý do gì để ồ ạt rút tiền.

Fed đã đúng khi cho vay nhờ tài sản bảo đảm (trái phiếu chính phủ) để ngăn chặn làn sóng rút tiền. Dù vậy, điều khoản cho vay dễ dàng như thế cũng có cái giá phải trả không nhỏ. 

Kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong khủng hoảng, các ngân hàng sẽ càng hành xử bất cẩn. 

Chương trình khẩn cấp được cho là chỉ kéo dài trong một năm, nhưng sau khi hết hiệu lực, các nhà băng đua nhau huy động tiền gửi sẽ tìm cách kiếm lợi nhuận cao hơn bằng cách chấp nhận tăng rủi ro. 

Một số nhà băng, biết rằng một khi Fed đã bước chân vào giải vây, sẽ không có nhiều lý do để phân biệt từng trường hợp cứu trợ. 

Các nhà làm luật do đó phải dùng một năm tới đây để cải tổ hệ thống cho an toàn hơn. 

Đã đến lúc sửa đổi quy định về hoạt động ngân hàng

Một bước cần làm là loại bỏ nhiều quy định miễn trừ kỳ quặc cho các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ. Một số trong các quy định đó là kết quả của các quy định hậu khủng hoảng được triển khai giữa cuộc chạy đua ghế tổng thống năm 2018 và 2019. 

Việc cứu nguy cho SVB chứng tỏ rằng các nhà hoạch định chính sách nhận ra rủi ro hệ thống tiềm tàng ở các ngân hàng vừa và nhỏ. 

Do vậy, các ngân hàng nhỏ và vừa cũng phải tuân thủ quy định kế toán và thanh khoản tương tự các ngân hàng lớn – như pháp luật ở châu Âu – và phải nộp cho Fed kế hoạch giải thể nếu kinh doanh thua lỗ. Khi luật có hiệu lực, các ngân hàng sẽ bị buộc phải tăng vốn dự phòng.

Các nhà làm luật ở bất cứ nơi nào cũng phải xây dựng hệ thống nhận diện rủi ro từ việc tăng lãi suất. Một ngân hàng với khoản lỗ chưa ghi nhận sẽ có nguy cơ sụp đổ lớn hơn trong giai đoạn khủng hoảng hơn một ngân hàng không có khoản lỗ này. Tuy nhiên, sự phân biệt này hiện nay không được phản ánh thông qua quy định vốn. 

Một ý tưởng được đề xuất là kiểm tra áp lực: thử xem điều gì sẽ xảy ra cho “bộ đệm vốn” của ngân hàng trong trường hợp: (1) danh mục đầu tư trái phiếu được điều chỉnh theo giá thị trường và (2) lãi suất tăng cao hơn nữa. 

Các nhà hoạch định chính sách sau đó có thể xem xét liệu hệ thống có đủ vốn dự phòng trong các trường hợp đó chưa.

Các nhà băng chắn chắn chán ghét ý tưởng phải tăng thêm vốn dự phòng và nhiều quy định phải tuân thủ. Nhưng lợi ích từ việc vận hành an toàn là vô cùng to lớn. Khách gửi tiền và người nộp thuế, từ Silicon Valley đến Thụy Sỹ, đáng lẽ ra không phải đối mặt với nỗi sợ mất trắng kinh hoàng như hiện tại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
The Economist: Đã đến lúc sửa luật ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO