Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tấn công các ngân hàng, cá nhân giàu có và cả nhập khẩu công nghệ của Nga.
Nhưng sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế sâu rộng, đời sống kinh tế của người dân Nga dường như không có gì thay đổi.
Hàng hóa đã "lách" được lệnh trừng phạt
Đám đông có thể đã giảm bớt tại một số trung tâm mua sắm ở Moscow, nhưng không đáng kể. Một số công ty nước ngoài như McDonald’s và Starbucks được các chủ sở hữu địa phương tiếp quản.
Vladimir Zharov, 53 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền hình, cho biết: “Về mặt kinh tế, không có gì thay đổi. Tôi làm việc như trước đây, đi mua sắm như trước. Có thể giá đã tăng lên một chút, nhưng không đến mức đáng kể”.
Người Nga vẫn có thể mua sắm như trước bất chấp các lệnh trừng phạt.
Apple đã ngừng bán sản phẩm ở Nga, nhưng Wildberries, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của đất nước, cung cấp iPhone 14 với mức giá tương đương với ở châu Âu.
Đồ nội thất và hàng gia dụng còn lại sau khi IKEA rời khỏi Nga đang được bán trên trang web Yandex.
Viên nén cà phê Nespresso đã hết hàng sau khi Nestle có trụ sở tại Thụy Sĩ ngừng vận chuyển chúng, nhưng vẫn có hàng nhái. Coke đóng chai ở Ba Lan vẫn có sẵn; “Cola” địa phương cũng vậy.
Trong khi 191 công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga và 1.169 công ty đang tiến hành các bước rời khỏi thị trường này, khoảng 1.223 công ty vẫn đang ở lại và 496 công ty vẫn đang cân nhắc, theo cơ sở dữ liệu do Trường Kinh tế Kiev.
Rõ ràng, hàng hóa đang lách lệnh trừng phạt thông qua nhập khẩu từ các nước thứ ba không trừng phạt Nga. Ví dụ, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 49% trong nửa đầu năm 2022. Điện thoại thông minh Trung Quốc ngày càng có sẵn.
Các lệnh trừng phạt của G7 sẽ là "bài kiểm tra" mới?
Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây tốt hơn nhiều so với dự kiến.
Trong khi đó, cư dân Moscow cũng đánh giá thấp tác động của các biện pháp trừng phạt.
“Có lẽ nó chưa ảnh hưởng đến tôi,” Alexander Yeryomenko, 63 tuổi, một người về hưu nói.
Dmitry, một nam giới 33 tuổi, cho biết chỉ có nhãn hiệu quần áo là thay đổi. “Chúng tôi đã có những khoảng thời gian thậm chí còn tồi tệ hơn trong lịch sử, và chúng tôi đã ứng phó được", Dmitry nói.
Nhưng khi những lệnh trừng phạt mới nhất đã thắt chặt đối với nguồn thu chính của Điện Kremlin - dầu mỏ - những tháng tới sẽ là một bài kiểm tra thậm chí còn khó khăn hơn đối với nền kinh tế của Nga.
Các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga chỉ mới có hiệu lực đầy đủ - chẳng hạn như giá trần đối với dầu - sẽ tác động đến nguồn thu của Nga.
Một số nhà phân tích dự đoán các dấu hiệu như tình hình tài chính căng thẳng của chính phủ hoặc đồng tiền mất giá có thể xuất hiện trong những tháng tới.
Nhưng các nhà kinh tế khác nói rằng Điện Kremlin có lượng tiền dự trữ đáng kể chưa bị trừng phạt, trong khi các mối liên kết với các đối tác thương mại mới ở châu Á đã nhanh chóng hình thành.
Khả năng Nga cạn kiệt tiền trong năm nay là không có mà thay vào đó sẽ là tình trạng trượt dốc chậm chạp trong nhiều năm của nền kinh tế.
Chris Weafer, Giám đốc điều hành và nhà phân tích kinh tế Nga tại công ty tư vấn Macro-Advisory, cho biết: “Nga sẽ có đủ tiền trong bất kỳ kịch bản nào. Nga sẽ tiếp tục mang lại thu nhập từ dầu mỏ, ngay cả với giá thấp hơn".
Vì vậy, sẽ không có áp lực kinh tế nào đối với Điện Kremlin đủ để chấm dứt chiến dịch quân sự, ông Weafer nói thêm.
Một lý do lớn cho khả năng phục hồi của Nga là thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch kỷ lục là 325 tỷ USD vào năm ngoái khi giá cả tăng vọt.
Sự thay đổi lớn có thể đến từ các hình phạt năng lượng mới. Nhóm G7 đã tránh các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với dầu mỏ của Nga vì sợ đẩy giá năng lượng lên cao hơn và thúc đẩy lạm phát.
Giải pháp áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga hướng đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, có hiệu lực vào tháng 12.
Sau đó là mức trần tương tự và lệnh cấm vận của châu Âu đối với nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Moscow vào tháng trước.
Hiện vẫn có các đánh giá khác nhau về mức độ ảnh hưởng của các biện pháp đó.
Các chuyên gia tại Trường Kinh tế Kiev cho biết nền kinh tế Nga sẽ đối mặt với một “bước ngoặt” trong năm nay khi doanh thu từ dầu khí giảm 50% và thặng dư thương mại giảm xuống 80 tỷ USD từ mức 257 tỷ USD năm ngoái.
Doanh thu từ thuế dầu mỏ đã giảm 48% trong tháng 1 so với một năm trước đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác hoài nghi về một điểm đột phá trong năm nay.
Janis Kluge, chuyên gia kinh tế Nga tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức, cho biết Moscow có thể có khả năng vượt qua ngay cả khi doanh thu từ dầu giảm trong ngắn hạn.
Ông nói, ngay cả việc cắt giảm 1/3 doanh thu từ dầu mỏ của Nga “sẽ là một tác động nghiêm trọng đến GDP, nhưng sẽ không dẫn đến sự sụp đổ”.
Nhưng ông cho rằng tác động với nền kinh tế sẽ là lâu dài. Việc không thể tiếp cận công nghệ phương Tây như chip máy tính tiên tiến đồng nghĩa với việc nền kinh tế bị mắc kẹt trong tình trạng chậm phát triển.