Kết thúc phiên giao dịch 16/3, Dow Jones đóng cửa với mức tăng 371,98 điểm, tương đương 1,17% lên 32.246,55 điểm. S&P 500 tăng 68,35 điểm, tương đương 1,76%. Nasdaq tăng mạnh nhất với 283,23 điểm (2,48%)
Trước đó, vào lúc 22h05 theo giờ Hà Nội, Dow Jones tăng 41 điểm, tương đương 0,13%. S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt tăng 0,5% và 0,9%. Diễn biến này tới không lâu khi chỉ khoảng 40 phút trước đó, Dow Jones giảm hơn 260 điểm xuống còn 31.607 điểm. S&P 500 giảm 0,46% trong khi Nasdaq cũng giảm 0,1%.
Trong phiên 16,3, Dow Jones cũng biến động mạnh với biên độ lên tới 700 điểm. Dù có lúc giảm xuống chỉ còn 31.571,46 điểm nhưng chỉ số này sau đó tăng được tới 32.281,61 điểm, cao hơn khoảng 35 điểm so với kết phiên.
Trong khi đó, màu xanh đang bao trùm chứng khoán châu Âu. DAX của Đức tăng 154 điểm, tương đương 1,05%. FTSE 100 của Anh tăng 0,78% trong khi CAC 40 của Pháp tăng 1,65%. SMI của Thụy Sĩ cũng tăng 137 điểm, tương đương 1,3%.
Về phần mình, cổ phiếu Credit Suisse, nguyên nhân dẫn tới cú bán tháo của phiên trước đó, đã tăng hơn 30% sau tuyên bố mượn 54 tỷ USD từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ. Một thông tin tích cực khác tới từ Ngân hàng Quốc gia Ả rập, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, khi người đứng đầu cho biết họ chưa từng bàn luận về việc cấp thêm vốn cho Ngân hàng Thụy Sĩ nên không thể có chuyện khước từ yêu cầu này.
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính nước này cho biết Credit Suisse “đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vốn và thanh khoản trong vai trò một ngân hàng quan trọng trong hệ thống”. Credit Suisse cũng đề nghị mua lại khoản nợ trị giá 3 tỷ franc.
CEO Credit Suisse Ulrich Koerner cho biết: “Những biện pháp này thể hiện hành động quyết đoán nhằm củng cố vị thế của Credit Suisse trong bối cảnh chúng tôi tiếp tục thực hiện các chuyển đổi chiến lược nhằm mang lại giá trị cho khách hàng và các bên liên quan”.
Tham khảo: CNBC