Thấy gì qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh?

Minh Trang | 15:21 27/03/2023

Việc Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng (thị trường các ngân hàng vay mượn nhau) giảm mạnh tại tất cả các kỳ hạn, TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lo ngại sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu và giảm giá trị VND.

Thấy gì qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh?
Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, lãi suất liên ngân hàng giảm có lợi cho xuất khẩu nhưng lại gây bất lợi cho nhập khẩu. (Ảnh: Int)

Từ ngày 15/3 khi Ngân hàng công bố,lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện đã về quanh mức giao dịch thời kỳ “tiền rẻ” được duy trì suốt thời gian dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng đã giảm mạnh tại tất cả kỳ hạn. Các ngân hàng đã vay mượn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch giữa các nhà băng) gần 184.514 tỷ đồng với lãi suất 1,55%/năm.

Từ mức trên 6%/năm hồi tháng 2, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) qua đêm giữa các ngân hàng đã giảm liên tục về 5%/năm, 4%/năm, 2%/năm. Trong phiên giao dịch 22/3, lãi suất qua đêm đã chính thức mất mốc 2%/năm - đánh dấu mức thấp nhất trong nửa năm trở lại đây. Lãi suất các kỳ hạn 1, 2 tuần cũng giảm về mức 1,98%/năm và 2,26%/năm từ mức gần 7%/năm.

Có thể thấy, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhanh chóng, với mức giảm lên tới khoảng 60% so với đầu tháng 3.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù được vay với lãi suất rẻ hơn, kỳ hạn dài hơn, nhưng lượng trúng thầu trong những phiên gần đây liên tục giảm mạnh. Thậm chí, trong phiên ngày 21/3, 5.000 tỷ đồng chào thầu đã bị “ế” khi không tổ chức nào cần hỗ trợ. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đã trở nên dồi dào hơn.

Hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.

Theo đánh giá của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đồng nghĩa chi phí vốn sẽ rẻ hơn. Guồng quay tín dụng gia tăng, từ đó tác động tích cực nên nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán, bất động sản.

Thực tế, không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, mà lãi suất huy động trên thị trường dân cư cũng đã có bước giảm mạnh. Dù trước đó, theo thống nhất của các nhà băng, mức lãi suất huy động tối đa là 9,5% nhưng đến thời điểm này, theo khảo sát, không còn ngân hàng nào niêm yết mức này nữa, trong khi chỉ khoảng 1 tháng trước, có khoảng trên dưới 10 nhà băng niêm yết lãi suất tối đa.

Mức lãi suất 9% cũng trở nên hiếm hoi hơn với chỉ vài ngân hàng như SCB, Ocean Bank. Các ngân hàng có mức lãi suất 8,8 – 8,9%/năm như Bao Viet Bank, Kienlongbank, VietCapitalBank…

Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) vẫn là các ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường với mức tối đa áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng tại quầy chỉ còn 7,2%/năm.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra.

Chia sẻ với MarketTimes, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mấy lần tăng lãi suất ngân hàng và mới đây cơ quan này lại tiếp tục tăng 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại giảm lãi suất liên ngân hàng. Điều này là đang đi ngược thị trường thế giới, làm giảm giá trị VND so với USD.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất, có thể có lợi cho xuất khẩu, nhưng lại gây bất lợi cho nhập khẩu, bởi doanh nghiệp cần nhiều ngoại tệ hơn để thanh toán.

“Hiện tôi chưa thấy dấu hiệu rõ nét tác động của việc giảm lãi suất liên ngân hàng, nhưng về lâu dài tôi nghĩ rằng sẽ không thể giữ mãi được trạng thái này mà phải theo xu thế chung của thế giới nếu một lần nữa FED tăng lãi suất để kìm lạm phát”, TS. Hiếu nói.

Trên thực tế, Việt Nam cũng là một quốc gia nhập khẩu phần lớn máy móc công nghiệp, nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất... nếu giá trị VND giảm gây bất lợi cho nhập khẩu sẽ khiến các chi phí sản xuất, sản phẩm tiêu dùng trong nước gia tăng, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thấy gì qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO