Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh Vượng”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng thị trường tăng nóng khi triển vọng nâng hạng trở thành câu chuyện chi phối.
Theo ông Đức, dòng tiền tập trung nhiều vào cổ phiếu trong VN-30, đặc biệt những cổ phiếu được hưởng lợi từ nâng hạng.
Nhận định về thời điểm nâng hạng, vị chuyên gia dự báo rằng thời điểm nâng hạng thị trường đã rất gần: "Có lẽ chỉ ngay tháng 9, chúng ta sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE".
Một tín hiệu từ thị trường là việc NĐT nước ngoài mua ròng lại mạnh mẽ trong vòng 1 tháng trở lại đây (tính đến phiên 21/7), với số tiền giải ngân khoảng 8 – 900 triệu USD.
Theo ông Đức, đây là dòng tiền của những nhà đầu tư chờ đợi nâng hạng. Câu chuyện nâng hạng tháng 9 hay tháng 3/2026 cũng không quá quan trọng, quan trọng là NĐT ngoại đã mua được cổ phiếu ở giá rẻ và khi các quý chủ động mua vào theo cơ cấu thì có thể bán lại. Đây là lý do chính khiến thị trường tăng mạnh trong hai tháng vừa qua.

Thị trường chứng khoán đang bước vào "sóng" Uptrend lịch sử
Liên quan tới định giá của thị trường chứng khoán, ông Đức chỉ ra công thức từ nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch rằng, thông thường tỷ lệ P/E (giá trên thu nhập) của thị trường chạy trong khoảng từ 10 – 20 lần.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, hai đợt đỉnh gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E đều ở mức trên 20 lần. Năm 2018, P/E vào khoảng 21 lần, đến 2021 – 2022, P/E khoảng 19 lần. Hiện nay, P/E thị trường mới chỉ khoảng hơn 16 lần, tức vẫn còn cách 20% so với đỉnh. Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng thêm khoảng 15% trong một năm tới, giúp kéo P/E thấp hơn.
"Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng câu chuyện VN-Index đạt được tối thiểu 1.800 – 1.900 điểm", chuyên gia dự báo và cho biết thêm, tỷ phú George Soros từng nói thị trường đi ngang sẽ đi ngang mãi mãi, còn một khi vào uptrend, với tâm lý tích cực thì sẽ duy trì đà tăng tương đối lâu dài.
FOMO là yếu tố cần chú ý, nhưng thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa đến đỉnh. Đỉnh của thị trường phải ở mức P/E khoảng 19 – 20 lần.
Nhìn lại lịch sử, vị chuyên gia VPBankS cho biết một sóng uptrend như hiện tại không phải lúc nào cũng có và phải chờ từ 2022 đến nay mới có sóng như vậy. Tính trong lịch sử, cũng chỉ có 5 lần uptrend mạnh là 2025, 2021 – 2022, 2017 – 2018 và 2009 – 2010 và 2007 – 2008.
Nếu không tận dụng cơ hội trong giai đoạn này thì sẽ rất khó khăn để kiếm lời. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của những NĐT hàng đầu như George Soros, Druckenmiller … để kiếm tiền trong uptrend, và để hiểu vì sao cần có tâm lý tích cực trong uptrend hiện tại.
Về chiến lược đầu tư, ông Nguyễn Việt Đức nhận định 1.500 điểm là mức phù hợp để tích lũy. Nhìn về các lớp lang của cổ phiếu, thực tế cổ phiếu dẫn dắt là nhóm Vin và BĐS. Cổ phiếu VIC đã gấp 3 lần so với đầu năm (từ khoảng 40.000 đồng/cp lên 120.000 đồng/cp).
Quay lại năm 2021, cổ phiếu VIC hiện tại cũng khá giống HPG khi ấy. Năm 2021, cổ phiếu HPG đã gấp 6 lần. Giữa năm 2021, những cổ phiếu dẫn dắt bắt đầu có dấu hiệu yếu đi và thị trường bắt đầu tìm sang những dòng cổ phiếu khác rồi mới lên đỉnh mới.
Trong vài tuần trở lại đây, hiện tượng này đang diễn ra. Vào nửa cuối năm 2021, sau khi tạo đỉnh, cổ phiếu HPG đã chững lại và thị trường xuất hiện những cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán (hưởng lợi từ thanh khoản cao, câu chuyện nâng hạng…), cổ phiếu gắn liền với nền kinh tế thực: bán lẻ, ngân hàng.