Vào một đêm định mệnh cách đây hơn 30 năm, 13 con người cùng 30.000 USD đã có quyết định mang tính bước ngoặt, không chỉ thay đổi cuộc đời họ mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam sau này.
Dragon Capital được thành lập năm 1994 khi thị trường chứng khoán vẫn còn là khái niệm rất mơ hồ tại Việt Nam. Sau hơn 3 thập kỷ, Dragon Capital đã trở thành một trong những định chế tài chính lớn và bền vững nhất tại thị trường vốn Việt Nam.
Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch cũng là một trong những người sáng lập Dragon Capital, đến với The Investors để chia sẻ câu chuyện về một hành trình dài với những khó khăn, thử thách nhưng cũng không ít kỷ niệm vui và thú vị.


Host Ngọc Nhi: Năm 1994, khi đó ông mới 26 tuổi, còn rất trẻ. Ở thời điểm sơ khai như vậy, ông cùng các cộng sự đã nhìn thấy điều gì ở Việt Nam mà quyết định thành lập nên Dragon Capital?
Ông Trần Thanh Tân: Quay trở lại năm 1994, đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa, tất cả mọi thứ đều mới. Mới đến mức mà những thứ bây giờ người ta xem là bình thường, thậm chí là bực mình nhưng thời đó là một hiện tượng. Một ngày tôi đi làm và bị kẹt xe bởi ba bốn chiếc xe hơi phía trước mặt, xung quanh là xe đạp và xe gắn máy, tôi có cảm giác rất sung sướng vì những điều mới lạ mang tính “cách mạng” đang xuất hiện trong cuộc sống vốn rất khó khăn của những năm đầu thập niên 90.
Việt Nam lúc đó đang bắt đầu hướng tới chuyện mở cửa nền kinh tế. Tôi là lứa sinh viên đầu tiên được học 2 năm đầu đại học về kinh tế Xã hội Chủ Nghĩa và 2 năm cuối là hệ thống kinh tế thị trường. Cho nên tất cả những gì mới mẻ với tôi ở thời điểm đó đều được đón nhận với 1 tâm trạng hồ hởi, vui vẻ và mang tinh thần dấn thân.
Dragon Capital ra đời từ một niềm tin đơn sơ nhưng mãnh liệt, rằng Việt nam rồi sẽ có một thị trường tài chính phát triển. Khi ấy, chưa có sàn chứng khoán, chưa có thị trường vốn, nhưng chúng tôi tin, và chúng tôi bắt đầu.
Quyết định thành lập Dragon Capital còn xuất phát từ một thất bại. Anh Dominic Scriven khi đó là Giám đốc huy động vốn của một công ty tài chính Hồng Kông, còn tôi là Phó Giám đốc. Chúng tôi tham gia một thương vụ huy động vốn 100 triệu USD nhưng thương vụ không thành công vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là sự thiếu niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thời điểm ấy, họ còn dè dặt và chưa sẵn sàng rót vốn.

Lúc đó anh Dominic quyết định quay lại Hồng Kông hoặc về Anh. Tôi hỏi anh Dominic: Nếu quay về để tiếp tục làm việc thì tại sao anh không làm việc ở đây, tại Việt Nam? Từ ý tưởng đó, chúng tôi nói chuyện với một vài người cộng sự về việc thành lập một công ty quản lý quỹ đầu tư vừa phải. Mọi thứ bắt đầu từ vạch xuất phát khiêm tốn như vậy.
Tôi kêu gọi, thúc ép và mong muốn thành lập một công ty để tiếp tục làm việc trong thị trường vốn. Đó là vì bản thân tôi quá đam mê với lĩnh vực tài chính, thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Đam mê này chỉ thông qua sách vở và phim ảnh nhiều hơn là thực tế, bởi tại Việt Nam thời điểm đó gần như không có gì hết.
Với suy nghĩ sơ khởi cộng với niềm đam mê về một tương lai với sự mở cửa nền kinh tế Việt Nam như vậy, cùng cái duyên là có một thất bại để tạo ra cơ hội mới, tôi cùng anh Dominic và một vài người đưa ra quyết định thực hiện sau một đêm. Chỉ vậy thôi, hoàn toàn không có gì ghê gớm. Có nhiều bạn hỏi tôi là tại sao các anh có thể định hướng được, dự đoán được tương lai sẽ đi theo hướng như vậy, rằng sẽ có thị trường tài chính, thị trường chứng khoán được mở ra tại Việt Nam. Thật sự chúng tôi không có định hướng hay dự đoán 1 điều gì chắc chắn. Mọi thứ đều rất bình thường, với 1 niềm tin mãnh liệt vào tương lai trong những năm đầu thập niên 90.

Host Ngọc Nhi: Nhìn lại đêm định mệnh đó, với 30.000 USD cùng 13 con người, ông nghĩ là một sự liều lĩnh hay là một niềm tin mãnh liệt nào đó?
Ông Trần Thanh Tân: Tôi tin khi bạn 26 tuổi và quyết định khởi nghiệp, chắc cũng sẽ có quyết định nhẹ nhàng và ngây ngô như tôi thôi. Nói đơn giản là thế nhưng sự trăn trở là có. Vì tôi rời một tập đoàn thương mại, tài chính Hồng Kông rất lớn tại Việt Nam vào thời điểm đó, để ra thành lập một công ty nhỏ như vậy.
Chúng ta tính toán nhiều thứ, phân tích các kiểu, thể hiện đầy quyết tâm nhưng lúc đưa ra quyết định đôi khi lại chỉ là ngẫu nhiên và dựa trên một lời khuyên. Tôi từng hỏi bạn gái (người sau này là mẹ của 3 đứa con trai của tôi) rằng ngày mai quyết định nộp đơn xin nghỉ việc và thành lập công ty tài chính, liệu có nên hay không?
Bạn gái tôi trả lời rất đơn giản. Bản thân hôm nay anh chưa cần phải nuôi ai vì anh 26 tuổi, không có trách nhiệm phải cam kết một tương lai cho ai. Nếu thất bại thì chúng ta vẫn còn cơ hội để làm lại, tuổi trẻ cho phép chúng ta mạo hiểm và học hỏi.
Đó cũng là động lực và cuối cùng tôi quyết định làm.

Host Ngọc Nhi: Năm 1997, sau khi công ty thành lập được 3 năm thì xảy ra khủng hoảng tài chính Châu Á. Một biến cố lớn phải đối mặt. Đứng trước nhiều nguy cơ như vậy, điều gì đã giữ ông ở lại và đồng hành đến tận bây giờ?
Ông Trần Thanh Tân: Dragon Capital thành lập dựa trên nhiều yếu tố, tin rằng Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán. Lúc đó tôi phụ trách chính mảng cổ phần hoá. Tôi đã tư vấn cho REE, GMD, LAFOOCO, VIFOOCO và nhiều công ty quốc doanh khác cổ phần hoá và niêm yết trên thị trường chứng khoán sau này. Đó là một bước chuẩn bị hàng hoá cho thị trường chứng khoán mà mình nghĩ sẽ được thành lập sớm.
Tuy nhiên, có những yếu tố khách quan, năm 1997 thị trường tài chính Châu Á khủng hoảng, bắt đầu từ Thái Lan, lan sang và ảnh hưởng nặng nhất ở Malaysia và Hàn Quốc. Với tình hình quốc tế như vậy, mong muốn có thị trường chứng khoán, thị trường tài chính của Việt Nam bị đẩy lùi hơn một chút. Hàng loạt quỹ đầu tư, nhà đầu tư có mặt tại Việt Nam trong giai đoạn đó rút vốn. Tôi nhớ không nhầm có khoảng 5 quỹ đầu tư, quỹ nhỏ 50-70 triệu USD, quỹ lớn 200-300 triệu USD, họ rút sạch về nước.
Dragon Capital khi đó đang quản lý quỹ VEIL, quy mô đầu tiên là 16 triệu USD và nâng lên gần 40 triệu USD vào năm 1997. Dĩ nhiên, nhà đầu tư của VEIL khi đó cũng đặt vấn đề rút vốn. Một số đối tác tại Dragon Capital cũng có quan điểm này, nhất là các cộng sự người nước ngoài. Trong một cuộc họp căng thẳng, phần lớn ý kiến muốn đóng cửa công ty, thanh lý tài sản, rút vốn và rời thị trường Việt Nam.
Tôi nói chúng ta thành lập Dragon Capital tại Việt Nam với mục đích huy động vốn nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, mọi hoạt động của chúng ta là tại Việt Nam và mọi thứ chúng ta có được là tại chính đất nước này. Nếu như Templeton, Vietnam Fund… rút vốn thì họ có lý do để rút, có nơi để về. Chúng ta về đâu? Đây là đất nước của chúng ta kia mà. Nếu như thị trường trước mắt khó khăn thì chúng ta có thể như con gấu ngủ đông. Ăn ít một chút, lương 10 đồng thì giảm 30-40% để có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn. Rồi đến lúc nào đó mặt trời cũng mọc và chúng ta bắt đầu lại từ đầu.
Chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mở cửa bởi rõ ràng có một sức ép rất lớn để đẩy Việt Nam đi đến một nền kinh tế thị trường, mà đỉnh cao của nền kinh tế thị trường là thị trường chứng khoán và thị trường tài chính. Xu hướng đó là tất yếu, vấn đề chính là yếu tố khách quan năm 1997 xuất hiện làm cho quá trình đó chậm lại một chút.
Tôi nhớ một câu mà tôi nói là “one team, one dream” – “một đội ngũ, một giấc mơ”, mong mọi người hãy cùng nhau. Tôi thuyết phục mọi người tiếp tục hành trình để thực hiện giấc mơ mà tôi và anh Dominic mơ ước. Hành trình đó có những khó khăn mà mình phải tạm dừng, “ngủ đông”, cố gắng vượt qua để tiếp tục đi. May mắn là mọi người đồng ý tiếp tục và chính vì thế mới có Dragon Capital ngày hôm nay.

Host Ngọc Nhi: Bên cạnh các cộng sự, ông còn phải thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài, những người rót vốn cho mình như thế nào?
Ông Trần Thanh Tân: Với nhà đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất là thuyết phục “Tại sao nên đầu tư vào thị trường Việt Nam?
Một điều may mắn, các nhà đầu tư trong quỹ VEIL phần lớn là những định chế tài chính, cho nên bỏ một khoản tiền để nhận thêm một số thông tin từ 1 quỹ đang đầu tư tại 1 nền kinh tế mới nổi tại Châu Á mà họ hy vọng rằng sẽ ở một ngôi sao sáng trong tương lai, họ sẵn sàng.
Vấn đề chính là mình phải đưa ra những quan điểm, thông tin, cách làm chuẩn mực và chân thành để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đồng hành. Từ 16 triệu USD ban đầu, sau 30 năm có thời điểm quy mô của VEIL đạt gần 2 tỷ USD. Đó là điều mà Dragon Capital, cá nhân tôi và các cộng sự rất tự hào.

Host Ngọc Nhi: Nhìn lại hành trình này, với rất nhiều khó khăn như vậy, điều gì khiến các nhà lãnh đạo của Dragon Capital có thể tạo dựng nên một công ty với quy mô tài sản quản lý (AUM) đến gần 6 tỷ USD?
Ông Trần Thanh Tân: Giống như tấm huân chương, ai cũng nhìn vào mặt lấp lánh với thành tích tổng tài sản quản lý gần 6 tỷ USD (AUM). Nhưng đằng sau tấm huân chương đó, chỉ có người thợ làm nên mới biết nó khó như thế nào. Thành quả hôm nay có phần do may mắn, nhưng cũng là kết quả của sự kiên trì, kỷ luật và đồng lòng.
Giai đoạn 1997 khủng hoảng tài chính Châu Á. Năm 2000 thị trường chứng khoán mở cửa và hưng phấn tột đỉnh rồi sau đó đảo chiều. Đến năm 2008, khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Mỹ khiến những tượng đài trong giới tài chính toàn cầu như Lehman Brothers sụp đổ. Chúng tôi phải liên tục đối mặt với thực trạng như vậy của thị trường.
Gần nhất là cú sốc toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid. Dù vậy, khi đó vì giãn cách xã hội, người dân có tiền nhưng không biết làm gì, thế là kênh duy nhất có thể đầu tư là chứng khoán, nhờ đó các quỹ đầu tư tại Việt Nam và trên thế giới nhân đôi, nhân ba rất nhanh. Tôi nhớ không nhầm Dragon Capital đã huy động được tổng số tiền khoảng 1,5-2 tỷ USD từ nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài trong thời Covid. Nhưng sau Covid, một lượng tiền tương ứng lại bị rút ra.
Khi khó khăn, mình nói với nhà đầu tư rằng chúng tôi vẫn cố gắng. Điều quan trọng là luôn luôn đặt quyền lợi của nhà đầu tư lên trên hết. Bởi vì rất đơn giản, việc đồng hành cùng nhà đầu tư là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất đối với Dragon Capital.
Tôi không biết 30 năm kế tiếp, Dragon Capital có thể huy động được gấp đôi, gấp ba hay gấp năm lần số vốn hiện nay đang quản lý hay không. Nhưng tôi tin tưởng điều đó. Và điều quan trọng hơn, việc đồng hành cùng nhà đầu tư sẽ mãi mãi là văn hoá cốt lõi không bao giờ thay đổi của Dragon Capital.

Host Ngọc Nhi: Nhà đầu tư tham gia thị trường tài chính giống như một cuộc chiến tâm lý. Làm thế nào ông có thể giữ được bình tĩnh, quản lý, kiểm soát được cảm xúc của mình trước rất nhiều biến cố, biến động của thị trường, thậm chí đối diện với những nguy cơ mất hàng triệu USD?
Ông Trần Thanh Tân: Kinh nghiệm để vượt qua những giai đoạn khó khăn là mình phải luôn giữ vững niềm tin bởi mình phải tin tưởng thì mới truyền được niềm tin đó cho nhà đầu tư và cho nhân viên của mình. Thất bại là bài học để làm tốt hơn trước những khó khăn kế tiếp.
Tôi không tin ngày mai sẽ không còn khó khăn nào. Nhưng với những di sản được tạo dựng trong hơn 30 năm bởi thế hệ đi trước thì việc giải quyết khó khăn trong tương lai sẽ nhẹ nhàng hơn.
Host Ngọc Nhi: Theo ông, với nhà đầu tư muốn đi đường dài, nguyên tắc nào là quan trọng nhất cần phải có?
Ông Trần Thanh Tân: Theo tôi đó là nguyên tắc dựa vào 4 chỉ số quan trọng nhất mà tôi gọi là 4Q.
Thứ nhất là chỉ số chấp nhận thất bại (AQ - Adversity Quotient). Giải thích một cách đơn giản là bạn có khả năng đứng lên khi ngã và tiếp tục đi. Nó giống như sự kiên cường, không sợ thất bại. Nếu bạn xác định con đường bạn đi là đúng đắn nhưng vì một lý do nào đó tác động bạn ngã, bạn phải đứng lên và tiếp tục đi. Đó là nguyên tắc thứ nhất.
Thứ hai là chỉ số thông minh (IQ - Intelligence Quotient). Đơn giản là bạn có khả năng đọc được báo cáo tài chính, bạn có khả năng suy luận logic trong cuộc sống. Điều đó sẽ giúp cho bạn chọn đầu tư cái này hay là cái kia bởi bạn có khả năng phân tích. Dĩ nhiên, nếu việc đầu tư là nghề tay trái thì bạn cũng không nhất thiết phải có đủ khả năng phân tích công ty như các chuyên gia trong ngành nhưng tối thiếu bạn phải có khả năng đọc và hiểu những gì báo cáo tài chính được trình bày 1 cách tóm tắt.
Thứ ba là chỉ số cảm xúc (EQ - Emotional Quotient). Bạn chọn công ty rồi nhưng phải tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp, nói chuyện để mình hiểu được họ là ai và có phải là người mình nên đầu tư, nên đi cùng hay không? Nếu đi cùng thì ngắn hay dài hạn. Ngắn cũng tốt, dài hạn cũng tốt nhưng quan trọng là bạn phải có khả năng đánh giá điều đó.
Cuối cùng, quan trọng nhất là chỉ số về tính kỷ luật (DQ - Discipline Quotient). Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mắc phải. Bạn lên kế hoạch cho một mục tiêu trên cơ sở phân tích công ty, phân tích thị trường, làm tất cả mọi thứ nhưng lại dễ dàng buông lỏng tính kỷ luật. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của con người, trong đầu tư hay trong cuộc sống, tôi cho rằng đó là chỉ số kỷ luật.
Con đường mình đã vạch ra, những phân tích sáng suốt ngay từ đầu có khi bị lu mờ bởi những tác động bên ngoài. vì vậy, không giữ kỷ luật sẽ làm cho quá trình đầu tư của mình dễ thất bại.

Host Ngọc Nhi: Đã bao giờ vì cảm xúc mà ông mắc sai lầm chưa?
Ông Trần Thanh Tân: Việc trả giá trong đầu tư và cuộc sống liên quan đến chỉ số cảm xúc là nhiều. Nếu bạn là lãnh đạo công ty, bạn có khả năng nhìn người phù hợp và đặt họ vào vị trí thích hợp trong tổ chức của bạn, chỉ mỗi việc chọn đúng người, đặt họ vào đúng vị trí là có thể đảm bảo một tỷ lệ thành công của công ty của bạn rồi. Chỉ số cảm xúc là cái quyết định bạn hợp tác với ai, làm điều gì và chọn lựa như thế nào.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng như trong đầu tư, chúng ta tính toán rất nhiều thứ, cân nhắc rất nhiều thứ, nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng rồi đến lúc cần đưa ra quyết định đôi khi dựa vào cảm xúc là chính. Vì vậy cần có một tố chất để điều khiển và kiểm soát tất cả, đó là tính kỷ luật.
Trong quá khứ và cho đến hiện nay, tôi có một quyết định dựa trên chỉ số cảm xúc được xem là đúng đắn nhất trong việc lựa chọn người để hợp tác. Tôi cùng anh Dominic đồng hành từ ngày đầu thành lập công ty và đi cho tới bây giờ. Anh Dominic là một người sếp, một người bạn, một người thầy và thậm chí là một người học trò của tôi. Trong những vai trò đan xen như vậy, bản thân tôi thấy may mắn vì là đã chọn được một người cộng sự, một người bạn đồng hành đúng đắn và có thể cam kết đi với nhau suốt chặng đường còn lại trên hành trình của Dragon Capital.

Host Ngọc Nhi: Trong giai đoạn triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025-2026 tăng trưởng 2 con số, Dragon Capital đã nhìn thấy cơ hội gì cho mục tiêu này?
Ông Trần Thanh Tân: Không chỉ riêng Dragon Capital, tôi tin là tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất hồ hởi với chỉ tiêu đó. Dĩ nhiên là hồ hởi một cách thận trọng bởi trong thời đại ngày nay để đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số gần như là mơ ước của toàn nhân loại. Xét về mặt nào đó, đây là cơ hội vàng để chúng ta đạt được điều đó.
Cơ hội vàng khi mà tháp dân số vàng đang vẫn còn; quá trình chuyển dịch nền kinh tế, chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra; tất cả mọi người đều hồ hởi xây dựng, làm việc. Cơ hội vàng từ các chính sách vĩ mô của chính phủ. Trong quá trình phát triển, chúng ta tích luỹ đủ lớn để có thể tăng đầu tư công, chủ yếu vào cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng… Việc đầu tư công như vậy nhằm mục hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác tăng trưởng.
Chúng ta thấy sự quyết tâm từ việc tinh giảm bộ máy, đến sáp nhập tỉnh, tạo động lực mới hơn cho một số địa phương. Bên cạnh đó là Nghị quyết 68. Khi lãnh đạo Việt Nam đặt thành phần kinh tế tư nhân vào trọng tâm trong việc phát triển quốc gia, rõ ràng chúng ta đang đi đúng hướng để đẩy kinh tế Việt Nam đi về phía trước. Tất cả thay đổi lớn sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam tiến xa và mức tăng trưởng GDP 2 con số là rất khả thi.
Tôi tin đây là tín hiệu đáng mừng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà các định chế tài chính đều khuyến khích đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Không chỉ riêng về vấn đề nâng hạng, mà họ nhìn vào giá trị nhiều hơn là cơ hội ngắn hạn. Giá trị của nền kinh tế Việt Nam thật sự đã bắt đầu được nâng lên rất nhiều dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế.

Host Ngọc Nhi: Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tác động như thế nào đến dòng tiền, theo ông?
Ông Trần Thanh Tân: Nhiều người đã nói về vấn đề này, sẽ có dòng tiền trước mắt là bao nhiêu, tương lai là bao nhiêu,… Khoảng 10-15 tỷ USD đổ vào thông qua các quỹ ETF. Đó là điều tất yếu và mang tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, hãy nhìn thực chất vào nền kinh tế Việt Nam bởi nếu dòng tiền vào nhưng nền kinh tế không đủ mạnh, không đủ tạo niềm tin cho nhà đầu tư thì chắc chắn cũng không bền vững. Dĩ nhiên nhiều người thích nâng hạng vì làm cho thị trường khởi sắc. Nhưng về dài hạn, chúng ta hãy nhìn vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Điều đó quan trọng hơn nhiều.
Host Ngọc Nhi: Ông có thể dự đoán tương lai gần 2-3 năm tới ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường Việt Nam?
Ông Trần Thanh Tân: Mình phải nhìn vào xu hướng nền kinh tế. Ví dụ như chuỗi cung ứng dịch chuyển, chúng ta sẽ có câu trả lời ngay lập tức là bất động sản KCN sẽ phát triển. Hay như chúng ta đẩy mạnh việc đổi mới sáng tạo, thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, các ngành liên quan đến công nghệ, tài chính sẽ có dư địa để phát triển.
Khi nói đến một nền kinh tế tăng trưởng 2 con số, thực tế thị trường chứng khoán giống như trái tim thứ 2 bơm máu cho nền kinh tế nhưng chưa đủ mạnh thì hệ thống ngân hàng (trái tim thứ nhất của nền kinh tế) vẫn là lĩnh vực quan trọng, cho nên lĩnh vực ngân hàng sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Khi nói đến khái niệm kích thích tiêu dùng nội địa thì nhóm ngành liên quan đến hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ sẽ có cơ hội phát triển.
Nếu nhìn vào thanh khoản giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán, bạn có thể thấy hiện nay đang tăng gần gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá trị giao dịch trung bình trước đây.
Tôi chỉ khuyên các nhà đầu tư nên đọc các thông tin về vĩ mô. Tôi nghĩ nhà đầu tư cá nhân chắc không để ý nhiều đến điều này nhưng với các nhà đầu tư là tổ chức lớn, việc quan sát các yếu tố vĩ mô là việc làm thường nhật.

Host Ngọc Nhi: Ông hy vọng thế hệ trẻ sẽ mang đến điều khác biệt và mới mẻ gì trong 10 năm tới đây không?
Ông Trần Thanh Tân: Tôi là thế hệ cũ, chắc chắn không nhạy bén như các bạn trẻ bây giờ. Đơn cử như công nghệ AI, với tốc độ phát triển như vũ bão như bây giờ, thế hệ trẻ ứng dụng rất nhanh.
Tôi nghĩ cá nhân tôi, anh Dominic hay những người lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc ở thế hệ đầu đến 1 ngày nào đó nên lùi lại một bước, nhường sân khấu cho sự sáng tạo, năng động, trẻ trung của thế hệ mới. Họ sẽ tiếp tục lèo lái con thuyền của nền kinh tế Việt Nam, của thị trường chứng khoàn Việt Nam nói chung và của từng công ty đang hoạt động trong nền kinh tế, trong đó có Dragon Capital, đi sang giai đoạn tốt hơn.
Host Ngọc Nhi: Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới gia nhập thị trường?
Ông Trần Thanh Tân: Các nhà đầu tư bây giờ khác rất xa so với những nhà đầu tư cách đây 10 năm, 20 năm. Họ năng động hơn nhiều, giỏi hơn nhiều, hiểu biết hơn nhiều. Với những người mới gia nhập thị trường, điều đầu tiên tôi khuyên là đừng nói rằng mình “chơi” chứng khoán, mà phải nói rằng tôi đang “đầu tư” chứng khoán. Bởi vì “chơi” là cho vui, với tâm thế đó, làm sao có thể kiếm ra tiền. Tiền kiếm được rất khó, bạn phải nghiêm túc.

Thứ 2 là bạn phải học hỏi trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Bạn có thể đến đại hội cổ đông của các doanh nghiệp, đọc báo cáo tài chính của họ, tham khảo nhận định về thị trường của các công ty chứng khoán và quản lý quỹ. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến người xung quanh nhưng phải chọn lọc. Quá trình đọc sẽ mang lại nhiều kiến thức để học hỏi.
Bạn cũng có thể thông qua các dạng đầu tư gián tiếp như chứng chỉ quỹ do các công ty quản lý quỹ uy tín đang quản lý. Bạn chỉ cần bỏ ra 1 số tiền vừa phải (vài triệu đến vài chục triệu đồng) vào một chứng chỉ quỹ để có thể sở hữu một rổ danh mục 20 - 50 công ty, nhờ đó bạn sẽ nhận được các báo cáo phân tích từ công ty quản lý quỹ cho bạn.
Tin tôi đi, đừng mong kiếm tiền từ một lĩnh vực nào đó mà mình không hiểu biết. Đầu tư đòi hỏi sự nghiên cứu và hiểu biết chứ không thể dựa vào may rủi.
Tôi khuyên các nhà đầu tư nên có một thói quen là tự đọc báo cáo tài chính hay bản cáo bạch của một công ty niêm yết. Dĩ nhiên bạn không cần phải hiểu như chuyên gia nhưng ít nhất bạn cũng cần có thói quen đọc những thông tin đó. Từ đó, bạn đưa ra quyết định đầu tư dựa trên phân tích của mình hoặc của các chuyên gia và đưa thêm yếu tố kỷ luật vào.

Host Ngọc Nhi: Các ông đã chuẩn bị gì cho sự chuyển giao tại Dragon Capital và dấu hiệu nào cho thấy đội ngũ kế nhiệm đã sẵn sàng?
Ông Trần Thanh Tân: Chúng ta thường xuyên mắc một lỗi là không dám đặt 100% niềm tin vào giới trẻ và điều đó là một sai lầm. Dragon Capital đã nhận ra điều này khá lâu và đang trong quá trình chuyển giao.
Như cách đây 2-3 năm, trong 1 cuộc họp, anh Dominic nói với tôi một câu tôi thấy rất hay là: Mình đã đi qua hành trình gần 30 năm, giờ thì mình phải nhờ ai đó khoẻ hơn, giỏi hơn, trẻ hơn, năng động hơn quản lý cho mình. Để mình có thời gian lùi lại, làm công tác chiến lược, hỗ trợ Ban giám đốc, thay vì điều hành hàng ngày, ra quyết định mua cái này, bán cái kia, huy động được nguồn vốn này, đối diện nhà đầu tư nọ”.
Dựa trên suy nghĩ đó, Dragon Capital và VFM (công ty quản lý quỹ nội địa, khi đó tôi là CEO) quyết định sáp nhập và anh Dominic là Chủ tịch, tôi là Phó Chủ tịch và có CEO điều hành. Thời gian sau sáp nhập cũng phù hợp để mình xem xét các thế hệ kế thừa. Họ thông minh lắm, giỏi, năng động, được đào tạo và học hành tốt hơn mình.
Con tàu không bé như ngày xưa, không phải chỉ có 13 người mà giờ lên đến 200 con người, tài sản mà công ty đang quản ý không phải 16 triệu USD mà gần 6 tỷ USD. Với một con thuyền lớn như vậy, một người thuyền trưởng phải linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn, có sức khoẻ tốt hơn mới có thể đi xa được. Sau lưng là những nhà sáng lập công ty với trách nhiệm hỗ trợ, coi sóc, đưa ra những lời khuyên hữu ích để người thuyền trưởng đủ tự tin lái con thuyền đi xa hơn.
Đây là một quá trình mà Dragon Capital đang làm. Tôi và anh Dominic đều ở ngưỡng cộng trừ 60 tuổi, đây là thời điểm phù hợp để chuyển giao cho thế hệ trẻ nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tâm thế “đứng mũi chịu sào” với trách nhiệm cao nhất của nhà sáng lập công ty, luôn sẵn sàng ủng hộ thế hệ kế thừa và tạo mọi điều kiện để từng bước giúp đội ngũ này bước ra thị trường đầy thách thức với sự tự tin cao nhất.

Host Ngọc Nhi: Giả sử ông chỉ còn 1 năm nữa để làm việc, ông sẽ làm những gì cho Dragon Capital?
Ông Trần Thanh Tân: Hành trình tạo ra con thuyền này trong 30 năm có nhiều cái được và mất. Nhưng điều ai cũng thấy là con thuyền này đã hình thành. Mong muốn của chúng tôi là con thuyền này tiếp tục đi xa hơn trong tương lai. Nếu chỉ còn một năm để làm việc, tôi nghĩ mình chỉ tập trung vào một chuyện duy nhất là công việc chuyển giao. Để đến khi không còn làm việc mỗi ngày ở công ty, tôi vẫn yên tâm khi Dragon Capital vẫn hoạt động tốt dù những nhà sáng lập đang ở Phú Quốc, Hà Nội hay nước ngoài.
Tôi tin con thuyền này được lèo lái đi về phía trước an toàn và mang theo thông điệp, văn hoá mà các thế hệ tạo nên Dragon Capital từ những ngày đầu đã dày công xây dựng và nó sẽ tốt hơn trên nền tảng đó. Toàn tâm toàn ý sát cánh cùng nhà đầu tư, những người đồng hành cùng mình trong suốt hành trình 30 năm vừa qua và những năm tiếp theo. Đó là sứ mệnh, là văn hoá cốt lõi của Dragon Capital.

Host Ngọc Nhi: Nếu có thể gói gọn hành trình nhiều năm qua với những biến cố, thử thách và thành công của Dragon Capital vào một cuốn sách, ông sẽ đặt tên cho cuốn sách đó là gì?
Ông Trần Thanh Tân: Tôi sẽ đặt tên cuốn sách cái tên là “Hành Trình Của Sự Tử Tế”. vì sao tôi đặt tên như vậy? Vì ở giai đoạn đầu khi mới thành lập, với 13 con người và số vốn nhỏ ban đầu 30.000 USD, sau nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” và có được quy mô như ngày hôm nay, chúng tôi tạm gọi là sống sót thay vì thành công. Để sống sót được với hành trình dài như vậy, bản thân những người đi đầu, những người trên con thuyền này phải thực sự biết ơn nền kinh tế này, đất nước này, các cơ quan chính phủ từ Bộ Tài Chính, Uỷ Ban Chứng khoán, các Sở giao dịch chứng khoán đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra cho mình môi trường để lớn lên, để trưởng thành và có cơ hội gặt hái thành công.

Mình cũng biết ơn nhà đầu tư. Có những thời điểm công ty có tới 250.000 nhà đầu tư (trực tiếp và gián tiếp) từ Bắc vào Nam. Họ chính là những người làm cho mình hiểu rõ trách nhiệm của mình và nuôi sống mình hàng ngày. Nếu không có nhà đầu tư, hành trình của mình cũng không đi được đến ngày hôm nay.
Mình cũng phải biết ơn các doanh nghiệp tham gia thị trường - những mảnh ghép không thể thiếu trong hành trình này. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia thị trường đồng hành với mình từ ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, công ty quản lý quỹ - tất cả đã gián tiếp hoặc trực tiếp tạo động lực đưa con thuyền này đi đến thành công.
Với tất cả sự biết ơn đó, tôi gọi tên cuốn sách là “Hành Trình Của Sự Tử Tế”. Tôi tin là, khi chúng ta thật sự tử tế, chúng ta sẽ thành công.