Thẩm định giá: Nghề "kén" người

Thái Anh | 10:48 12/04/2023

Thị trường gặp nhiều khó khăn, biến động trong thời gian qua và đây chính là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp thẩm định giá nhưng cũng là dịp để thanh lọc những công ty không đủ điều kiện và để cho những doanh nghiệp luôn coi giá trị bền vững là điều kiện để hoạt động thì sẽ có những bước phát triển tăng trưởng, là cơ hội để nghề thẩm định giá phát triển trong thời gian sắp tới.

Thẩm định giá: Nghề "kén" người
PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà tại buổi chia sẻ cơ hội nghề nghiệp với sinh viên ngành Thẩm định giá - Bất động sản.

MarketTimes: Thưa Bà, nghề thẩm định giá được cho là một trong những nghề “hot” hiện nay. Tuy nhiên, thực tế các công ty thẩm định giá đang rất thiếu nhân lực. Vậy theo bà nguyên nhân do đâu nghề “hot” nhưng lại vẫn còn ít người theo nghề?

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà: Sự ra đời của nghề thẩm định giá đã mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng giúp khách hàng có những quyết định chính xác trong việc kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng, mua bán minh bạch trên thị trường... có thể thấy nhu cầu về thẩm định giá rất cao. Nghề thẩm định giá được coi là nghề “hot” hiện nay, tuy nhiên nhân lực vẫn còn thiếu bởi vì đây là nghề rất “kén” người, luôn đòi hỏi khắt khe trình độ chuyên môn nghiệp vụ, áp lực công việc cao, chịu nhiều rủi ro...

nguyen-ho-phi-ha.png
(PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng Bộ môn Định giá tài sản, Chuyên ngành Thẩm định giá tài sản, Chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh Doanh Bất động sản - Học Viện tài chính)

MarketTimes: Một thực tế là thời gian vừa qua, sau những “sự cố” liên quan đến nghề thẩm định giá, thậm chí có một số thẩm định viên bị khởi tố hình sự thì số lượng các thẩm định viên bỏ nghề tăng. Nhiều thẩm định viên cho rằng làm nghề này khá “mong manh” về pháp lý, “đúng - sai” trong thẩm định giá không rõ ràng... Bà nhận xét như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà: Thực tế là thời gian vừa qua, có một số vụ vi phạm liên quan đến định giá, có nhiều thẩm định viên lo ngại về vấn đề này và nhiều thẩm định viên cho rằng làm nghề này khá “mong manh” về pháp lý. Theo tôi, quan điểm đó chưa thực sự hoàn toàn đúng, một phần là do quy định pháp luật nhưng phần lớn là do chính bản thân các thẩm định viên, các doanh nghiệp thẩm định giá đã thực hiện chưa đúng quy định của luật pháp. Có thể thấy khi thị trường gặp rất nhiều những khó khăn, biến động như thời gian qua, đây chính là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp thẩm định giá, là dịp để "lọc" những doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng đồng thời đây cũng là dịp để cho những doanh nghiệp luôn lấy giá trị bền vững là điều kiện để hoạt động thì sẽ có những bước phát triển tăng trưởng, từ đó góp phần thúc đẩy nghề thẩm định giá phát triển trong thời gian sắp tới.

MarketTimes: Theo Bà, để các thẩm định viên có thể sống “đam mê” với nghề cần những thay đổi gì về pháp lý, chính sách hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà: Để giúp các thẩm định viên tiếp tục gắn bó và ngày càng yêu nghề hơn thì phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng theo tôi một trong những yếu tố tiên quyết phải kể đến đó là việc hoàn thiện về mặt pháp lý, chính sách liên quan đến thẩm định giá... Luật phải cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ để cho thẩm định viên hành nghề, có cơ chế chính sách đãi ngộ cho thẩm định viên...

MarketTimes: Được biết, chuẩn đầu ra của các sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản của Học Viện Tài chính khá cao. Vậy Học viện Tài chính đã có những đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên như thế nào sau hơn 16 năm xây dựng và phát triển?

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà: Sứ mệnh của chuyên ngành là cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học thẩm định giá và kinh doanh bất động sản chất lượng cao cho xã hội, định hướng ứng dụng có uy tín trong nước và trong khu vực. Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản được thành lập nhằm cung cấp cho xã hội những cử nhân thành thạo, có trình độ chuyên nghiệp về thẩm định giá tài sản và kinh doanh bất động sản.

Theo đó, sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp có thể sử dụng các phương pháp có cở sở khoa học và thực tiễn để định giá bất động sản, máy móc thiết bị ít có giao dịch trên thị trường; Có thể xác định mức giá hợp lý của các tài sản thế chấp, đánh giá mức độ mạo hiểm, độ tin cậy và tính khả thi của các dự án đầu tư; Đánh giá được tính chất “ảo”, tính đầu cơ, mức độ “bong bóng” và tính “bầy đàn” về giá cả diễn ra trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; Đánh giá và định giá được mức giá hợp lý của một doanh nghiệp, cổ phiếu và thương hiệu của doanh nghiệp; Tư vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cho doanh nghiệp và cá nhân ra quyết định đầu tư, mua sắm hợp lý, giảm rủi ro đến mức thấp nhất; Có năng lực quản trị kinh doanh, marketing, môi giới, quản lý sàn giao dịch và thẩm định tính khả thi của các dự án đầu tư vào bất động sản.

Sau gần 20 năm thành lập chuyên ngành, với hơn 16 khóa sinh viên đã tốt nghiệp, chúng tôi luôn tự hào là tất cả các sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp đều có cơ hội việc làm rất cao, luôn được các doanh nghiệp đón nhận và được đánh giá rất cao về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng mềm.

MarketTimes: Với vai trò là nhà đào tạo, Bà nhận định như thế nào về tương lai của nghề thẩm định giá?

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà: Trước tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, trong tiến trình hội nhập và phát triển, nghề thẩm định giá và kinh doanh bất động sản đã và đang chứng minh được vai trò đặc biệt quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của các tổ chức, cá nhân. Đây cũng là nghề mới, nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức. Tôi từng nhắn nhủ các sinh viên của mình là: “Hãy cứ đam mê, cứ cháy hết mình với những gì đã lựa chọn và cuộc đời là cái thang không thang bậc chót và việc học là quyển vở không trang cuối cùng"….

MarketTimes: Xin cảm ơn Bà!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thẩm định giá: Nghề "kén" người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO