Thách thức trong phòng, chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa

Thu Thủy | 06:56 23/09/2023

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị “Quy định của phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá”, do Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 22/9.

Thách thức trong phòng, chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa
Việt Nam hiện chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch.

Theo đó, công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa.

Tuy nhiên, việc quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và đặc biệt là thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này được cho là những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống rửa tiền còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ, NHNN đã ban hành các quy định triển khai, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn.

Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ công nghệ khiến nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

“Tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Việt Nam chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch”, ông Hùng cho biết.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, các báo cáo gần đây của các tổ chức uy tín toàn cầu chỉ ra nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, tài sản số, đồng thời đặt ra thách thức mới trên toàn cầu.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô các hoạt động rửa tiền toàn cầu có thể lên tới 1.600 – 4.000 tỷ USD/năm, tương đương 2 - 5% tổng GDP toàn thế giới. Trong khi đó, các số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), quy mô của các hoạt động bất hợp pháp này còn có thể cao hơn, từ 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.

Còn tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.


(0) Bình luận
Thách thức trong phòng, chống rửa tiền qua giao dịch tiền mã hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO