Tăng trưởng quý 1/2023 đạt 3,32%, chuyên gia nói gì?

Bài: Bình Minh, Ngọc Anh - Thiết kế: Hải An | 14:55 29/03/2023

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế rõ ràng nhất là đầu tư công. Tất cả những chương trình đầu tư công cần được triển khai một cách đồng loạt, mạnh mẽ để tạo ra động lực cho nền kinh tế. Điều quan trọng nữa cần phải làm là mở rộng thị trường xuất khẩu. Với tất cả những động lực này, hy vọng là nửa năm sau của 2023 nền kinh tế sẽ tốt lên.

new-title-1-1-.jpg

Tổng cục Thống kê vừa ra báo cáo cho quý 1/2023. Tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2023 đạt 3,32%, CPI tăng 4,18% Ông nghĩ gì về những con số này?

Theo tôi, những vấn đề khó khăn trên thị trường trong nền kinh tế lộ diện rõ ràng trong năm 2023. Số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu đã lên đến khoảng 60.000 doanh nghiệp. Như vậy, bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, trung bình năm ngoái mỗi tháng chỉ khoảng 11.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), như Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI quý 1 tăng 4,18%. Con số này tăng chủ yếu giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và trong đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, giá cả hàng hóa cũng cao hơn so với ngày thường. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới.

Tăng trưởng quý 1 đạt 3,32%, đây có lẽ không phải là điều đáng lo ngại quá! Bởi lẽ trong quý 1, dịp lễ, tết khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa sôi động, và thị trường bất động sản, chứng khoán, xuất nhập khẩu không khởi sắc lắm nên nền kinh tế có phần bị ảnh hưởng.

new-quote-1-web.jpg

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn tiếp tục đà tăng lãi suất, mặc dù tốc độ tăng đã giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại đang hạ lãi suất. Ông nhận định thế nào về điều này?

Mới đây, FED đã tăng lãi suất và thông báo rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất ít nhất là 1-2 lần nữa từ nay đến cuối quý 2/2023. Trong khi đó, Việt Nam mới ra quyết định giảm lãi suất.

Trên thực tế, lãi suất điều hành vừa rồi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm không phải là lãi suất trên thị trường 1 nên không ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất cho vay. Do đó, quyết định vừa rồi của NHNN về việc giảm lãi suất điều hành chưa có tác động rõ ràng trên thị trường.

Trong thời gian vừa rồi, nhu cầu hạ lãi suất của thị trường là rất lớn vì chỉ có hạ lãi suất, chi phí vốn cho các doanh nghiệp mới giảm. Từ đó, doanh nghiệp mới vay được tiền và sản xuất kinh doanh mới có thể có lãi. Doanh nghiệp hoạt động tốt, đường nhiên nền kinh tế cũng phát triển tốt theo.

Chính vì vậy, giảm lãi suất là vấn đề cốt yếu phải thực hiện, nhưng lãi suất có giảm được hay không lại là một vấn đề khác. Vì giảm lãi suất có thể khiến lạm phát tăng lên. Trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn đang ở trong xu hướng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Việt Nam lại đi giảm lãi suất. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể giảm lãi suất được hay không và có nên đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hay không?

Đây là một bài toán rất khó cho NHNN. Bởi khi giảm lãi suất, xu hướng vay tiền sẽ nhiều hơn và khi vay tiền nhiều hơn thì sẽ đẩy lượng tiền vào trong lưu thông, từ đó làm tăng lạm phát. Hơn nữa, khi giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, tăng tỷ giá làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa.

Điều chỉnh lãi suất ở mức phù hợp sẽ giúp kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tạo sự ổn định, bền vững cho cả nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ và ngân hàng cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để có những chính sách quốc gia phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong trường hợp lãi suất vẫn cao, tôi nghĩ có lẽ nên đưa ra giải pháp bảo lãnh tín dụng. Tôi cho rằng Việt Nam nên có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô rất lớn để bảo lãnh cho các doanh nghiệp đi vay. Lúc này, các doanh nghiệp có thể đi vay với lãi suất thấp.

Với các ngân hàng, vì có bảo lãnh tín dụng, họ có thể cho vay mạnh tay hơn với lãi suất thấp. Từ đó, nền kinh tế mới có động lực tăng trưởng. Cứ loay hoay trong bối cảnh các ngân hàng được yêu cầu phải giảm lãi suất, trong khi chính bản thân họ cũng gặp rủi ro lớn thì họ không thể giảm lãi suất được.

new-title-2-1-.jpg

Theo ông, những thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong những quý tới của năm 2023 là gì?

Thứ nhất là sự trì trệ của nền kinh tế. Cụ thể, các hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ vì các thị trường nội địa và quốc tế bị thu hẹp do lạm phát tăng. Khi lạm phát tăng, mức tiêu thụ sẽ có xu hướng giảm theo.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu của chúng ta đang bị giới hạn. Các nước trên thế giới đều trong tình trạng phải kiểm soát lạm phát, hầu như các nước Tây phương đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Do đó, đi vay vay tiêu dùng trở nên tốn phí hơn nên nhu cầu vay tiêu dùng giảm xuống. Từ đó, sức tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu bị giảm đi.

Điều này làm thu hẹp thị trường xuất khẩu, làm cho nền kinh tế bị trì trệ. Sức tiêu dùng nội địa cũng đã giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực như du lịch, chúng ta chưa lấy lại được sự phát triển như trước khi đại dịch diễn ra.

new-quote-2-2-.jpg

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế quý 1/2023 sẽ là ‘đáy’ và nền kinh tế có thể phục hồi trong quý 2, chậm nhất là quý 3. Theo ông thì sao?

Chúng ta đều kỳ vọng kinh tế quý 1 là đáy, nhưng không có gì bảo đảm điều này. Tuy nhiên, tôi hy vọng, tăng trưởng trong quý 2/2023 có thể đi lên với điều kiện chúng ta phải tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế rõ ràng nhất là đầu tư công. Tất cả những chương trình đầu tư công cần được triển khai một cách đồng loạt, mạnh mẽ để tạo ra động lực cho nền kinh tế.

Điều tiếp theo cần làm là tăng sức tiêu thụ trong nền kinh tế. Vấn đề này quay lại việc làm sao giảm lãi suất để cho vay tiêu dùng thuận lợi hơn. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh phải được đẩy mạnh để người lao động có tiền vì khi người lao động có tiền, mức tiêu thụ nội địa sẽ tăng. Điều quan trọng nữa cần phải làm là mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với tất cả những động lực như thế, hy vọng là nửa năm sau của 2023 nền kinh tế của chúng ta có thể vực dậy được.

Vậy đâu có thể là điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Tôi cho rằng xuất nhập khẩu trong năm nay vẫn sẽ là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, vì ở một mức độ nào đó, Việt Nam đang thay thế một phần Trung Quốc để cung cấp hàng hóa cho thế giới. Hơn nữa, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang được thế giới tiếp nhận một cách tích cực.

Đồng thời, những sản phẩm nông sản và tiêu dùng của chúng ta đang được nhiều thị trường lớn trên thế giới yêu thích. Hơn nữa, lực lượng và sức lao động đều có sự phát triển tốt trong thời gian này. Chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến háp dẫn. Đây đều là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tăng trưởng quý 1/2023 đạt 3,32%, chuyên gia nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO