Tín hiệu "lạ" này cho thấy quý 1/2023 là “điểm đáy” của tăng trưởng doanh nghiệp?

Anh Tuấn | 16:31 28/03/2023

Tại buổi tọa đàm 'VITV - Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó?', TS Vũ Tiến Lộc nhận định, những tín hiệu hiện tại của nền kinh tế cho thấy quý 1/2023 sẽ là điểm đáy của tăng trưởng doanh nghiệp và hy vọng đến quý 3 các tín hiệu phục hồi sẽ xuất hiện.

Tín hiệu "lạ" này cho thấy quý 1/2023 là “điểm đáy” của tăng trưởng doanh nghiệp?

Sáng ngày 28/3 tại Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm 'VITV - Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó?'. Theo đại diện Kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV-SCTV8, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, xung đột Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán.

Cho dù tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm của cả nước có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022, song vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).

Đại diện VITV chia sẻ trong tọa đàm

Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng lưu tâm.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán… nhưng kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm vẫn có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, đáng chú ý số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui gần 52.000 doanh nghiệp, con số này tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”.

Ông Lộc chia sẻ: “Lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể nên hy vọng quý 1/2023 là “điểm đáy” của sự phục hồi doanh nghiệp. Hiện tín hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện dù rất yếu, nên quý III/2023 sẽ cho tín hiệu tích cực hơn”.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong bối cảnh khó khăn nhất, doanh nghiệp mong chờ vào những cải cách hỗ trợ kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh khó khăn nhất, cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt của sự thay đổi. Cải cách môi trường kinh doanh được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung cải cách thể chế một cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng cần rà soát liên tục, phát hiện vướng mắc của doanh nghiệp thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ.

Trong buổi tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu vấn đề về việc cần khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ông Hiếu chia sẻ, cần áp dụng những chính sách mới để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực về vốn, đất đai,...tạo động lực cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển.


(0) Bình luận
Tín hiệu "lạ" này cho thấy quý 1/2023 là “điểm đáy” của tăng trưởng doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO