Thị trường chứng khoán tăng trưởng bùng nổ
Tròn 22 năm sau phiên giao dịch đầu tiên (28/7/2022), thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được “quà sinh nhật” từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này tăng lãi suất 0,75 điểm %. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1994, tuy nhiên không nằm ngoài dự đoán của các tổ chức quốc tế. VnIndex đã bứt phá tăng 17 điểm với giá trị giao dịch đạt gần 14 nghìn tỷ đồng vào cuối tuần trước, cao nhất trong vòng một tháng.
Vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, VnIndex liên tục chinh phục các mức cao hơn trong tuần qua và đóng cửa ở mức 1.252 điểm. Giá trị giao dịch bình quân trong tuần đạt hơn 14.800 tỷ đồng. Phiên cuối tuần, chỉ số VnIndex điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao, thu hút dòng tiền mạnh mẽ.
Các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động
Trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động. Đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VPBank… đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Mặc dù vậy, mức lãi suất huy động đưa ra trong giai đoạn này vẫn thấp hơn các mức tương ứng năm 2019, trước đại dịch Covid-19. Kinh tế phục hồi khiến các cá nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, qua đó tăng nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, sức ép lạm phát toàn cầu đã khiến các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất, nhằm thu hút dòng tiền, tài trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngoài việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đồng thời phát đi thông điệp giữ nguyên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 14%. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,35% đặt các ngân hàng thương mại trước sức ép tăng trưởng cuối năm khi hạn mức tăng trưởng tín dụng không còn nhiều.
Một số thông tin nổi bật của các doanh nghiệp
Sau hàng loạt thông tin tiêu cực từ lãnh đạo cũng như kết quả kinh doanh của Tập đoàn FLC, các tỉnh, thành phố bắt đầu thu hồi các dự án do tập đoàn này đăng ký tại địa phương. Sóc Trăng, Hậu Giang đã ra quyết định thu hồi các dự án bất động sản của FLC tại hai tỉnh này, trong khi Hà Tĩnh đang cân nhắc thu hồi một dự án nông nghiệp của tập đoàn. Việc thu hồi các dự án một lần nữa đặt FLC trước tương lai khó dự đoán sau những sự cố chưa từng có trên thị trường chứng khoán xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn.
Trong bối cảnh kênh huy động chính thống gặp khó vì điều kiện thị trường, một số doanh nghiệp đã tăng vay nợ từ các bên liên quan cũng như từ doanh nghiệp khác. Vay ngân hàng vẫn được xem là kênh huy động truyền thống nhưng hiện có dấu hiệu cạn cung, thị trường vốn nhờ đó đã nở rộ sang một số kênh chính thống khác như chứng khoán và trái phiếu. Dù vậy, những biến động về chính sách đang dẫn đến nguồn cung vốn chính thống dần cạn kiệt, buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm phương án vay vốn từ các bên thứ ba như công ty mẹ, ban lãnh đạo hay cả từ những doanh nghiệp khác.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 của các doanh nghiệp niêm yết hé lộ những khoản lỗ tỷ giá lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Đồng đô la Mỹ liên tục tăng giá khiến tỷ giá trên toàn cầu biến động không ngừng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như vay vốn từ nước ngoài đứng trước rủi ro tỷ giá khó dự đoán. Vingroup, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai Agrico… là các doanh nghiệp điển hình báo lỗ tỷ giá trong kỳ kinh doanh vừa qua.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines vừa công bố kế hoạch tăng vốn nhằm bù đắp khoản lỗ lũy kế công ty đã tích lũy suốt 2 năm Covid-19. Tính đến cuối quý II/2022, Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines bị thâm hụt gần 4.900 tỷ đồng. Hiện Vietnam Airlines chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về đợt tăng vốn này. Quý III năm ngoái, công ty đã tăng vốn gần 800 tỷ đồng để bù đắp thâm hụt vốn chủ sở hữu.