Một số chuyên gia cho rằng, do nhiều gia đình thấy không phù hợp với mô hình này nên những ai sở hữu homestay có xu hướng “cả thèm chóng chán”?
Chị Hoàng Thu Hằng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, theo lời rủ rê của bạn bè và xu hướng nhiều người mua đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội) làm homestay, chị cũng tham gia đầu tư vào khu vực này. Khu đất chị mua có diện tích 2.000 m2 (400m2 đất có sổ đỏ) với giá 8 tỷ đồng, đã có sẵn một số cây ăn quả.
Mua đất đã được 2 năm, giá có nhích lên so với thời điểm mua, nhưng mỗi lần lên thu hoạch trái cây chị lại phải mất thời gian ngày. Tính chuyện xây một ngôi nhà vườn để thỉnh thoảng cuối tuần lên nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau khi suy đi tính lại, chị quyết định không xây mà để vườn cây ăn trái đơn sơ.
Theo chị, hiện tại đang còn đi làm, thậm chí làm việc cả ngày thứ 7, chỉ có 1 ngày chủ nhật để nghỉ ngơi thư giãn lại phải lên vườn chăm nom cây cối và thu hoạch ít trái cây. Nhưng sau nghỉ hưu, chị cũng không có ý định lên Sóc Sơn ở, vì chị muốn gần con cháu. Hơn nữa, ở Thái Bình quê chị, bố mẹ cũng để lại cho chị một mảnh đất 300m2, có thể xây dựng nhà, làm vườn tược, gần gũi họ hàng cô dì, chú bác.
“Mặc dù Sóc Sơn gần nơi tôi ở hiện nay hơn là Thái Bình, nhưng tôi cũng không muốn sau về hưu ở đó, nên có thể chỉ giữ lại ít bữa, nếu được giá tôi sẽ bán để lấy tiền đầu tư chỗ khác sinh lời tốt hơn”, chị Hằng nói.
Không giống chị Hằng, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Ba Đình, Hà Nội), mua mảnh đất ở Sóc Sơn sát ngay hồ Đồng Đò có diện tích gần 8.000m2 từ cách đây 4 năm. Chị đầu tư một cơ ngơi khá khang trang với ngôi biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng, vườn tược, cây cối được chăm bẵm khá kỹ. Cây cối trong vườn được nhập từ nước ngoài hoặc chở từ miền Nam ra. Mục đích của gia đình lấy địa điểm để chồng chị tiếp đối tác và gia đình, bạn bè có chỗ nghỉ ngơi cuối tuần.
Qua 2 năm đưa vào sử dụng, chi phí cho căn biệt thự và khu vườn lên đến hàng chục tỷ đồng, trong khi vừa qua đợt dịch dã công việc kinh doanh và ký kết hợp đồng với đối tác không thuận lợi, gia đình đã rao bán 70 tỷ đồng nhưng đã nửa năm nay không có người hỏi mua.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các trang mua bán bất động sản, nhiều người rao bán đất, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà vườn nghỉ dưỡng tại Hoà Bình, Sóc Sơn, Thạch Thất.
Đơn cử, một số chủ đất rao bán 20 sào đất thổ cư tại Hồ Đồng Đò làm nhà vườn, giá chỉ 250tr/sào. Bán 129m2 tại thôn Thanh Trí, Xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội, giá 14 triệu đồng/m2.
Hay những thông tin rao bán những khu đất có diện tích lớn như: cần nhượng lại homestay diện tích gần 3.000m2 tại Cao Sơn, Lương Sơn, Hoà Bình, giá thoả thuận. Cần nhượng lại resort diện tích 13.000 m2 tại Lương Sơn, Hoà Bình giá 155 tỷ đồng.
Anh Khuất Quang Hoà, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân chuyên nghiệp tại Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, anh mua bất động sản ở ven đô hoặc các tỉnh có tiềm năng du lịch như Hoà Bình mục đích chỉ để đầu tư sinh lời chứ không có ý định sau về nghỉ hưu sinh sống. Bởi quê anh cách Hà Nội khoảng 40km, không có lý do gì đến một nơi khác, đất khách quê người, không người thân thuộc hưởng tuổi già.
“Sau này tôi chỉ có thể ở gần con cháu hoặc nếu muốn sinh sống nơi có vườn tược, tôi sẽ về Vĩnh Phúc, ở đó có bà con họ hàng của tôi quây quần xung quanh, nên mua bất động sản ở Sóc Sơn hay Hoà Bình, mục đích của tôi nhằm sinh lời”, anh Hoà bộc bạch.
Anh Nguyễn Anh Đức, Công ty bất động sản ABLand cho hay, sở dĩ hiện nhiều người rao bán homestay hay những mảnh đất có thể xây homestay là do một thời gian đầu tư không hiệu quả, giá lên chậm so với thị trường nhà đất ở.
Bên cạnh đó, một số bộ phận nhà đầu tư xây dựng homestay kinh doanh cũng không hiệu qủa bởi trải qua 2 năm dịch Covid-19, số tiền vay mượn đầu tư vào đó không thu hồi được, trong khi nợ ngân hàng ngày một tăng.
Còn những gia đình xây dựng nhà vườn nghỉ dưỡng sau một thời gian dịch dã về ở, nay cuộc sống trở lại bình thường, họ cũng không có thời gian để thường xuyên về nghỉ ngơi cuối tuần, thiếu thời gian chăm sóc nhà cửa vườn tược.
Anh Đức cho rằng, việc thoái trào có thể chỉ diễn ra ở một số bộ phận khách hàng đã và đang sở hữu những mảnh đất này, còn thế hệ trẻ họ rất mong muốn được sở hữu một nơi nghỉ dưỡng cuối tuần. Tuy nhiên, xu hướng tiếp theo cũng sẽ là “cả thèm chóng chán”, nếu họ thấy kinh doanh không hiệu quả hoặc dùng để cuối tuần cả gia đình đi nghỉ ngơi không tiện lợi.