Sabeco sắp "mưa" tiền cổ tức, 1.300 tỷ đổng "chảy" về túi ông chủ người Thái

06:19 17/06/2024

Chủ hãng bia Sài Gòn dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 20%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng sẽ là 8/7, dự kiến tới 31/7, Sabeco sẽ thực hiện thanh toán.

Sabeco sắp "mưa" tiền cổ tức, 1.300 tỷ đổng "chảy" về túi ông chủ người Thái
Ông chủ Thái Lan tại Sabeco có thể nhận hơn 1.300 tỷ đồng đợt này

Theo đó, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu thuần 34.397 tỷ đồng, tăng trưởng 12,9% so với kết quả năm 2023; lợi nhuận sau thuế là 4.580 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6%. Tỷ lệ chia cổ tức duy trì ở mức 35%.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Sabeco sẽ dùng 4.489 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ chia là 35%.

Trong đó, vào đầu tháng 2/2024 vừa qua, Công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Ước tính với tổng số cổ phiếu đang lưu hành khoảng 1,28 tỷ, chủ hãng bia Sài Gòn sẽ chi khoảng hơn 2.500 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.

Vừa qua, đại hội đã thông qua kế hoạch thanh toán cổ tức năm 2023 lần hai với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. Thời điểm chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức là ngày 8/7/2024 và thời gian thanh toán dự kiến ngày 31/7/2024.

Ngoài ra, trong năm 2023, Công ty đã thành công trong việc tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành hơn 641 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 1:1.

Về mức thù lao năm 2024 đối với các thành viên HĐQT, ủy ban kiểm toán và ủy ban khác, Sabeco dự kiến là 8.216 tỷ đồng, tăng so với con số 6.030 tỷ đồng của năm 2023.

Theo báo cáo thường niên năm 2023, Công ty TNHH Vietnam Beverage là cổ đông lớn nhất, nắm 53,59% vốn của Sabeco.

Cổ đông lớn thứ hai là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 36% vốn tại Sabeco. Như vậy, cổ đông Thái Lan có thể nhận hơn 1.300 tỷ đồng đợt này, còn SCIC dự kiến khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Ông chủ Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi mua Sabeco là ai?

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sinh năm 1944, xuất thân từ một gia đình người Thái gốc Hoa, bán hàng rong ở khu Chinatown tại Bangkok (Thái Lan). Ông là con thứ 6 trong gia đình có 11 anh chị em. Vì cuộc sống khó khăn, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã phải bỏ học từ năm 9 tuổi để đi làm phụ giúp gia đình.

Trải qua những năm tháng khó khăn thời thơ ấu đã trở thành động lực để ông Charoen Sirivadhanabhakdi tìm kiếm cách thoát khỏi đói nghèo và trở thành một vị tỷ phú, "ông trùm" nhiều lĩnh vực nổi tiếng ở Thái Lan. Với kinh nghiệm làm đầu mối cung cấp cho một nhà máy rượu, ông Charoen bắt đầu có được giấy phép sản xuất đồ uống có cồn của riêng mình, khi Chính phủ thái Lan cho phép tự do hóa ngành rượu vào cuối những năm 1970 và đầu 1980.

Không chỉ dừng lại ở đồ uống, "đế chế" kinh doanh của ông Charoen Sirivadhanabhakdi còn lấn sân và phát triển ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, thế kiềng 3 chân hình thành, bao gồm ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker (BJC) hoạt động đa ngành và TCC Land về lĩnh vực bất động sản. Trong đó, tập đoàn TCC Land giúp vị tỷ phú này sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn ở Thái Lan, Mỹ, Úc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Hiện nay, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn nắm giữ vị trí Chủ tịch của nhiều tập đoàn lớn. Ông được coi là một trong những người giàu nhất ở Thái Lan. 

Theo thống kê của Forbes tính đến ngày 18/2/2024, tổng tài sản của ông Charoen Sirivadhanabhakdi là 10,6 tỷ USD. Đây là mức thấp trong chuỗi biến động tài sản của doanh nhân này, vì trước đó, vào đầu năm 2018, sau khi thực hiện vụ thâu tóm Sabeco, tài sản của ông đã lên tới 20,1 tỷ USD. Dù nổi tiếng là nhà đầu tư lớn, sẵn sàng "vung" đồng bath khắp nơi, nhưng ông Charoen Sirivadhanabhakdi lại hiếm khi xuất hiện trước giới truyền thông.

Tháng 12/2017, Thai Beverage (hay còn gọi là ThaiBev), công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, thông qua công ty con là Vietnam Beverage đã chi 4,8 tỷ USD để sở hữu 53,59% cổ phần tại Sabeco. Thương vụ mua lại Sabeco được coi là dấu mốc lớn giúp ThaiBev trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất ở Đông Nam Á về sản lượng.

Sau 1 năm kết thúc thương vụ, năm 2019, kết quả kinh dooanh của Sabeco đạt đỉnh với doanh thu lên tới gần 38.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5.370 tỷ đồng. Trong 2 năm 2020 – 2021, doanh thu của Sabeco bị sụt giảm mạnh với 27.961 và 26.374 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và hành vi người tiêu dùng ở Việt Nam thay đổi kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực.

Bước sang năm 2022, sau khi đại dịch qua đi, nhu cầu sử dụng bia rượu của người tiêu dùng tăng giúp doanh thu của Sabeco tăng trở lại, lên mức gần 35.000 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2023, kinh tế trong nước bị tác động kép bởi hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến kết quả kinh doanh của Sabeco một lần nữa chuyển biến xấu.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, ThaiBev của tỷ phú Thái Lan đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam, từ đó tạo "bàn đạp" hướng tới khu vực Đông Nam Á. 

Theo Nikkei, trong một cuộc họp báo tại Thái Lan vào tháng 9/2022, đại diện lãnh đạo của ThaiBev chia sẻ, Sabeco là "viên ngọc quý", một tài sản hiếm có trong số những nhà sản xuất bia ở khu vực Đông Nam Á.


(0) Bình luận
Sabeco sắp "mưa" tiền cổ tức, 1.300 tỷ đổng "chảy" về túi ông chủ người Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO