Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết tại một sự kiện hôm 12/10, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Ở thời điểm hiện tại, dù 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%. Tuy nhiên thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm chỉ khoảng 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.
“Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhưng điểm sáng của ngành rau quả năm nay là các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại để đưa rau quả xuất khẩu tới những thị trường này”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm gần 13% thì ngược lại nhập khẩu lại tăng tới 36,4%, trong 9 tháng đầu năm. Sự gia tăng giá trị và sản lượng nhập khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Theo số liệu do Hiệp hội rau quả Việt Nam cung cấp, ước tính tháng 9 xuất khẩu rau quả đạt 204,4 triệu USD, giảm 26% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả tháng 9 đạt 204 triệu USD, tăng 10 % so với tháng trước và tăng 63,2 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu mặt hàng rau quả ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ.
Cũng theo hiệp hội này, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở cả hai chiều nhập và xuất. Số liệu từ Hải quan Việt Nam đến tháng 8 nêu: Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 473 triệu USD, tăng mạnh 74% so với cùng kỳ. Thị phần rau quả của Trung Quốc cũng tăng lên tới 37,6% trong năm nay, so với 29% của năm ngoái.
Thị trường Mỹ đứng thứ hai với 201 triệu USD, tăng 6% so với năm trước và thị phần bị giảm từ 21% của năm trước xuống còn 17% trong năm nay. Úc đứng thứ 3 với giá trị 105 triệu USD. Những nước còn lại đều có giá trị dưới 100 triệu USD.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam ở cả hai chiều nhập và xuất. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Trung Quốc giảm mạnh
Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc lại giảm mạnh. Trong 8 tháng qua chỉ đạt 967 triệu USD, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm thị phần đến 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì năm nay chỉ còn 44%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 151 triệu USD của năm trước lên 180 triệu USD, tương đương 19%. Tiếp theo là Hàn Quốc 125 triệu USD, Nhật Bản 115 triệu và Thái Lan 189 triệu.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng qua là do chính sách kiểm soát nhập khẩu để chống dịch. Bên cạnh đó, thị trường này hiện trở nên khó tính hơn với nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật gắt gao. Điều này cũng làm nhiều loại rau quả Việt Nam không tiêu thụ được như thanh long, dưa hấu, bưởi, xoài, chuối, mít…
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng qua là do chính sách kiểm soát nhập khẩu để chống dịch. Ảnh minh họa.
Hôm 21/9, tại huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên của địa phương sang thị trường Trung Quốc sau khi nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thông qua. Lô sầu riêng xuất khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Sản xuất Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) gồm 4 container (hơn 70 tấn). Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Lâm Đồng được cấp một mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và một mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020. Nhờ vậy, thị phần của châu Âu trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam đã tăng từ 7,9% trong năm 2020 lên 8,5% trong năm 2021; thị phần của châu Mỹ tăng từ 6,4% lên 7,6%. Trong khi đó, thị phần của châu Á giảm từ mức 82,2% xuống còn 80%, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc bị giảm về thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Trong cơ cấu trái cây, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm tươi khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%. Ảnh minh họa.
Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng khiêm tốn, Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) Phạm Hưng cho biết, trong cơ cấu trái cây, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm tươi khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%.
"Sản lượng trái cây, rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12 - 17%, điều này khiến 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp", ông Phạm Hưng nêu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ... Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.