Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, về pháp lý, ngành ngân hàng đã có hành lang cho phép chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Trong đó, ngành ngân hàng là bộ ngành đầu tiên cho phép mở tài khoản bằng eKYC, đã thực hiện từ năm 2021. Đến gần đây, từ ngày 1/10 thì việc mở tài khoản bắt buộc phải có thẻ CCCD gắn chip. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đã có bước tiến lớn là cho phép cho vay online.
Trên thực tế, hiện đã có nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên kênh số đạt 97-98%. Có nhiều người khách hàng cả tuần không đến ngân hàng vì có thể giao dịch hoàn toàn trên kênh số. Trong thời gian qua, số lượng và giá trị giao dịch trên kênh số tăng trưởng đều đặn 2 con số.
Theo Phó Thống đốc, một điểm rất quan trọng là ngành ngân hàng có sự kết nối và tích hợp rất mạnh với các lĩnh vực khác. Chẳng hạn như khi vào ứng dụng ngân hàng sẽ biết phải trả bao nhiều tiền điện và khi thanh toán xong thì lập tức ghi nhận ở hệ thống cho thấy sự kết hợp giữa 2 ngành ở mức độ rất cao.
“Khi kết nối và tích hợp với nhiều đơn vị thì nguy cơ cũng rất lớn”, Phó Thống đốc nhận định. Khi chúng ta cung cấp dịch vụ trên diện rộng, chúng ta càng phải đảm bảo an toàn hoạt động. Vị lãnh đạo NHNN cũng cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ có Thông tư mới liên quan vấn đề này.
Nói về việc triển khai Quyết định 2345, Thông tư 17, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi quy định mới hiệu lực, số tài khoản lừa đảo đã giảm rõ rệt. Dù vậy, ông khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo.
Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký.
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác. Vì các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền. Nếu chúng ta để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ ngành ngân hàng, mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn còn trên mọi lĩnh vực. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có CCCD để truy xuất được.
Tại sự kiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng nhận định: “Sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân nào mà là sự nỗ lực chung của toàn ngành. Chúng ta cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển”.
Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, sự kiện Smart Banking năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số. Đặc biệt tại sự kiện năm nay sẽ diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường năng lực ứng phó, phát hiện các mối đe dọa và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng.