Hàng loạt câu hỏi đặt ra
Trong các phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị diễn ra chiều 3/11 và sáng 4/11 vừa diễn ra, các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đã được nhiều đại biểu quan tâm, đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các lãnh đạo Bộ ngành và Chính phủ.
Cụ thể, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng trước tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuỳ tiện tại một số địa phương khi tại Báo cáo số 130 ngày 28/10/2022 của Bộ Xây dựng đã chỉ ra rằng việc điều chỉnh quy hoạch đô thị bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ; nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đặt vấn đề cần làm rõ quan điểm về nhận định kiến trúc và quy hoạch ở nước ta đang phát triển lộn xộn.
Theo đó, bà Nga cho rằng một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Tuy nhiên, trong những năm qua, theo nhận xét chung của giới chuyên môn thì kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển còn tương đối lộn xộn, kể cả kiến trúc, quy hoạch nông thôn và đô thị chưa mang dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền và giai đoạn.
Trong khi đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đặt vấn đề cần làm rõ thực trạng và trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi diện tích cây xanh ở đô thị còn thấp so với quy chuẩn.
Theo đó, ông Quý cho rằng, thời gian qua, mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, trong đó có quy chuẩn tối thiểu về diện tích đất dành cho cây xanh công cộng ở đô thị. Tuy nhiên, đang có thực trạng diện tích cây xanh ở đô thị hiện nay ra sao và trách nhiệm của Bộ trưởng khi diện tích cây xanh ở đô thị còn rất thấp so với quy chuẩn.
Đặt vấn đề cần phải có giải pháp khắc phục việc mất cảnh quan đô thị, đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng thực trạng hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như nhiều bài báo viết về sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà tại hai bên đường Lê Văn Lương, phá vỡ quy hoạch vào tầm nhìn chiến lược và mất cảnh quan đô thị.
Yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cho tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, chưa đồng bộ, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng thời gian qua, từ thực tiễn cũng như như báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy còn một số quy hoạch thiếu tầm nhìn, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu nguồn lực thực hiện, chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng.
Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm nhưng chưa thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững”.
Theo đó, thực trạng trên không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước mà còn gây bức xúc trong dư luận và người dân, nhất là những người dân nằm trong khu vực quy hoạch “treo”, sống trong chờ đợi mỏi mòn.
Trong bối cảnh tình trạng vi phạm liên quan đến quy hoạch diễn ra phực tạp trên cả nước, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề một trong những giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự quy hoạch xây dựng là xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm hoặc có những hành vi dung túng, bao che.
Đồng bộ giải pháp
Trả lời các đại biểu Quốc hội liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thời gian qua, bên cạnh những kết qủa tích cực đã đạt được, công tác này còn tồn tại, hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân là do rà soát đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, việc thi hành pháp luật còn chưa được triệt để…
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, Bộ có trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, chưa kịp thời hướng dẫn, xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị để đảm bảo công tác này được thực hiện chặt chẽ đúng theo quy định của pháp luật.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ đề xuất sửa đổi điều chỉnh các Luật liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, hoàn thiện quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng như hoàn thiện quy định về về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch, bổ sung các quy định, yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt sự tuân thủ các cấp độ quy hoạch cũng như đồng bộ quy hoạch giữa các cấp độ; bổ sung nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các loại quy hoạch cũng như quy định chi tiết hơn về nội dung, quy hoạch và mức độ thể hiện trong các đồ án quy hoạch.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phương pháp luận trong công tác lập quy hoạch. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch tại các địa phương.
Liên quan đến vấn đề, liên quan đến vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, xử lý cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vi phạm quy định của pháp luật quy hoạch, trật tự xây dựng, Bộ đã có báo cáo đầy đủ Quốc hội. Về xử lý hành vi vi phạm đã quy định cụ thể tại Nghị định 16 năm 2022 về quy định xử phạt vi phạm vi xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại Nghị trường Quốc hội, làm rõ thêm một số nội dung trong lĩnh vực xây dựng, về công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại hạn chế như: việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ, nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian…
Về giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng; khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.