Ngư ông đắc lợi: GAS, FPT, Vinamilk, Vĩnh Hoàn,... hưởng lợi ra sao khi tỷ giá tăng mạnh?

Mộc An | 10:12 28/10/2022

Mỗi sự thay đổi trong môi trường kinh doanh đều tạo ra các tác động 2 chiều. Trong bối cảnh hiện tại khi diễn biến tỷ giá đô la Mỹ (USD) tăng mạnh, sẽ có những người hưởng lợi bên cạnh những đối tượng chịu thiệt hại.

Ngư ông đắc lợi: GAS, FPT, Vinamilk, Vĩnh Hoàn,... hưởng lợi ra sao khi tỷ giá tăng mạnh?

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục có những biện pháp điều hành để ổn định thị trường ngoại hối trước áp lực lên tỷ giá USD/VN tăng mạnh do FED tăng lãi suất.

Cụ thể vào ngày 17/10, NHNN đã thông báo quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/- 5%. Tiếp đó, giá bán USD giao ngay tại Sở GDNHNN được nâng lên 24.380 đồng, từ mức 23.925 đồng trước đó và tiếp tục tăng lên 24.870 đồng sau một tuần (24/10, tương đương mức tăng 7,4% so với cuối năm 2021).

Bên cạnh đó, lãi suất điều hành cũng đã được NHNN điều chỉnh tăng thêm 100 điểm cơ bản lần thứ hai trong vòng hai tháng, với mục đích chính để giảm áp lực đối với tỷ giá, trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo SSI Research, tính từ đầu năm cho đến nay, VND đã mất giá 8,6% và trước mắt, nhóm các doanh nghiệp sử dụng các khoản vay nước ngoài để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động mạnh nhất từ rủi ro tỷ giá.

Công ty chứng khoán này cập nhật nhanh tác động tích cực và tiêu cực của biến động tỷ giá đến hàng loạt công ty lớn đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo SSI Research, các công ty đã có sự chủ động trong chuẩn bị cho rủi ro tỷ giá bằng việc tham gia các hợp đồng phái sinh (đặc biệt là các ngân hàng).

ssi-ty-gia.png

Sau đây là một loạt các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá.

Với lượng tiền mặt ròng là 7,1 nghìn tỷ đồng có thể giúp Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (mã chứng khoán: VGI) tránh khỏi việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Dư nợ bằng USD ghi nhận ở mức 7,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 337 triệu USD), chiếm 90% tổng dư nợ, trong khi công ty này nhận được doanh thu chủ yếu bằng USD. Theo SSI Research, trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel đã ghi nhận mức lãi thuần từ tỷ giá hối đoái là 246 tỷ đồng do USD tăng giá 2,2%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) hiện có khoản nợ bằng đồng JPY là 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất cố định, trong khi tất cả doanh thu từ hành khách quốc tế của công ty được tính bằng USD. Do đó, công ty này có thể được hưởng lợi từ việc USD tăng giá. Ngoài ra ACV vị thế tiền mặt là 33 nghìn tỷ đồng sẽ mang lại lợi thế cho công ty trong môi trường lãi suất tăng.

Một doanh nghiệp được hưởng lợi khác là Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS). Công ty này có dư nợ bằng USD được công bố ở mức 3,65 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 2/2022 trong khi doanh thu và phần lớn giá vốn hàng bán ghi nhận bằng USD. Do đó, khoản lỗ tỷ giá ròng là không đáng kể. Trong khi đó, với lượng tiền mặt ròng 28,45 nghìn tỷ đồng, công ty có thể hưởng lợi từ việc tăng lãi suất.

Đối với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) hưởng lợi từ việc USD tăng giá do doanh thu sang Mỹ chiếm hơn 40% tổng doanh thu của công ty. Dư nợ bằng USD của công ty này hiện không đáng kể.

Đối với Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), tính đến quý 2/2022, lượng tiền mặt ròng đạt 4,9 nghìn tỷ đồng có thể giúp tập đoàn này hạn chế được rủi ro từ việc tăng lãi suất cho vay và biến động tỷ giá. Theo SSI Research, tác động của lãi suất cao hơn và tiền đồng mất giá đối với FPT là không đáng kể.

Ví dụ đối với các khoản nợ khoảng 381 triệu USD (chiếm 40% tổng dư nợ của FPT) đã được phòng ngừa rủi ro toàn bộ bằng các hợp đồng tương lai. FPT cũng ghi nhận doanh thu bằng USD ở mức khoảng 158 triệu USD (tương đương 41% dư nợ bằng USD), giúp bù đắp một phần tác động giảm giá của VND.

FPT ghi nhận khoảng 15,6 tỷ Yên Nhật doanh thu và 20 tỷ Yên dư nợ. Với sự giảm giá của JPY, tác động lên doanh thu tính bằng JPY có thể được bù đắp.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá. Cụ thể Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán: IDC) hiện có khoảng 500 ha đất khu công nghiệp cho thuê. SSI Research ước tính các hợp đồng thuê mới sẽ được báo giá theo tỷ giá USD/VND mới, làm cơ sở tính toán giá thuê. Do đó, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá thuê khi quy đổi sang VND, trong khi các chi phí chính như bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng được trả bằng VND.

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (mã chứng khoán: BCM) hiện cũng có khoảng 408 ha đất khu công nghiệp cho thuê.

Với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC), Việc USD tăng giá trong năm nay có thể không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu năm 2022 doanh thu chủ yếu dựa vào việc giao đất từ các giao dịch đã ký kết trước đây với tỷ giá hối đoái cố định từ năm ngoái.

Tuy nhiên, hợp đồng cho thuê mới của công ty có thể được cố định với tỷ giá USD/VND mới, vì giá thuê đất khu công nghiệp của KBC thường được tính bằng USD, điều này có khả năng thúc đẩy doanh thu trong tương lai. Trong khi đó, các chi phí chính của công ty (chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và lãi vay) được tính bằng VND. Tại thời điểm cuối quý 2/2022, KBC không có nợ USD với hệ số đòn bẩy là 0,4 lần.

Với Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã chứng khoán: VNM), doanh nghiệp này hiện nhập khẩu nguyên liệu bằng USD nhưng cũng thu được doanh thu xuất khẩu bằng USD. Dư nợ bằng USD là gần 400 triệu USD vào cuối quý 2/2022 nhưng công ty dần đáo hạn các khoản vay ngắn hạn này để giảm áp lực tỷ giá. Nhìn chung, tác động của việc USD tăng giá là tiêu cực nhẹ, nhưng VNM được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn do VNM có số dư tiền mặt ròng là 13,4 nghìn tỷ đồng tính đến quý 2/2022

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngư ông đắc lợi: GAS, FPT, Vinamilk, Vĩnh Hoàn,... hưởng lợi ra sao khi tỷ giá tăng mạnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO