Ngày 29/5/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Với mục tiêu tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Nghị quyết đã cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính.
Nghị quyết quy định không thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu.
Theo đó cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành: không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, không yêu cầu phải thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu, miễn giấy phép xây dựng với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, không yêu cầu thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà do chủ đầu tư tự xây dựng, phê duyệt…
Xung quanh Nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam bình luận, đây là một sự quyết liệt của Chính phủ với mong muốn tìm mọi giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển và làm cho mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội khó khăn.
Chính phủ nghiên cứu để trực diện vào những điễm nghẽn đó, trực diện vào những khó khăn và những thể chế, pháp luật đang tạo ra những rào cản. Tinh thần theo hướng là hỗ trợ tích cực nhất, tối đa nhất cho địa phương, doanh nghiệp có thể tháo gỡ những điểm nghẽn mà chúng ta vừa phân tích ở trên từ đất đai, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt hồ sơ, thẩm định, kiểm tra…
“Chúng tôi đánh giá rất cao Nghị quyết và hy vọng với những thay đổi này trong điều chỉnh thể chế sẽ tạo ra những động lực và thực sự cởi trói cho những vướng mắc”, ông Đính nói.
Còn theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Luật Nhà ở năm 2023 mới có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, đến nay chưa được 1 năm. “Nhưng vì sao Quốc hội lại ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội?”. Bởi vì, nếu vẫn tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2023 thì khả năng cao là không hoàn thành được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Vì thế, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã thông qua. Theo đó, Nghị quyết này đã cắt giảm và có thể nói là một cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội.
Đơn cử như trong Nghị quyết, chúng ta đã có cơ chế chính sách là không thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo pháp luật về đấu thầu nữa mà chúng ta thực hiện lựa chọn chủ đầu tư đồng thời với chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Hình thức này sẽ tiết kiệm đến 200 ngày để thực hiện thủ tục hành chính và vấn đề này nếu chúng ta thực hiện theo Luật Nhà ở năm 2023chỉ tiết kiệm được đến 70% so với quy định hiện hành.
Hay Nghị quyết này cũng đã bỏ thủ tục hành chính là phải phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, cũng tiết kiệm được khoảng 65 đến 70 ngày. Hoặc là không yêu cầu dự án nhà ở xã hội phải thực hiện bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan về xây dựng và việc này cũng tiết kiệm được 45 đến 100 ngày. Không yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện thẩm định giá bán nhà ở xã hội mà cho phép chủ đầu tư tự xây dựng và tự công bố giá bán. Sau này, giá bán có phù hợp với các quy định các phương pháp giá hay không thì sẽ thực hiện kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước là sở xây dựng sẽ có ý kiến cuối cùng về việc này.
“Chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đều rất đồng tình, ủng hộ với Nghị quyết này. Điều này sẽ tác động rất tích cực đến việc triển khai Đề án 1 triệu căn ở căn nhà ở xã hội trong thời gian tới”, ông Hưng nhấn mạnh.