Ngành cao su toàn cầu tiếp đà phục hồi, giá bán giữ mức cao

Thu Hà | 13:04 13/05/2022

Ngành cao su toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao khi nhu cầu từ các thị trường lớn tăng, trong khi nguồn cung giảm và giá dầu thô tăng cao.

Ngành cao su toàn cầu tiếp đà phục hồi, giá bán giữ mức cao
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam.

Theo thống kê, xuất khẩu cao su những tháng đầu năm giảm về cả lượng và giá trị.

Trong quý 1/2022 cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 87,8% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam với 280,23 nghìn tấn, trị giá 483,2 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Khảo sát của MarketTimes cho thấy, giá cao su hôm nay (13/5) có sự biến động trái chiều ở 2 sàn Châu Á. Cụ thể:

Trong nước, đầu tháng 5/2022, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-350 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/độ mủ so với cuối tháng 4/2022.

Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 345 đồng/độ TSC.

Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 4/2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm tới 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022; tuy nhiên so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485,22 nghìn tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

gia-cao-su.png
Theo khảo sát của MarketTimes, 4 tháng đầu năm xuất khẩu cao su  giảm về cả lượng và giá trị.

Về giá xuất khẩu, tháng 4/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.

Trên thế giới, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 6/2022 ghi nhận mức 243 yen/kg, giảm 0,65% (tương đương 1,6 yen/kg).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh lên mức 12.535 nhân dân tệ/tấn, tăng 1,33% (tương đương 165 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản rơi xuống mức thấp nhất 7,5 tuần do thị trường chứng khoán Tokyo suy yếu cùng sự gián đoạn trong lĩnh vực ô tô đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Một số cơ chế bình ổn giá cao su được ra

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong quý 2/2022 ngành cao su toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao khi nhu cầu từ các thị trường lớn tăng, trong khi nguồn cung giảm và giá dầu thô tăng cao.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể bị tác động bởi thiếu chất bán dẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất ôtô, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng..

Thời gian tới, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá dầu thô tăng cao, nguồn cung giảm và nhu cầu cao tại các thị trường lớn.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… sẽ tiếp tục tăng và Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) hiện đang trong quá trình nghiên cứu và hướng tới việc đề xuất một Cơ chế Giá Bền vững (Sustainable Price Mechanism – SPM) nhằm đảm bảo tính lành mạnh, bền vững trong chuỗi giá trị ngành cao su thiên nhiên.

Cơ chế sẽ bảo vệ lợi ích của tất cả các bên liên quan (bao gồm cả nông dân trồng cao su, các nhà máy chế biến cao su, các đối tác tiêu dùng cao su) bằng cách đưa ra một phạm vi giá, bao gồm mức giá tối thiểu và tối đa, đồng thời cho phép giá chuyển động trong một biên độ được chỉ định để đảm bảo tính thanh khoản đầy đủ trên thị trường.

Theo dự thảo Cơ chế giá bền vững (SPM), cơ chế được đề xuất để thiết lập phạm vi giá cao su trên cơ sở lấy điểm chuẩn sử dụng giá TSR 20 giao lên tàu, giá FOB). Mức giá chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa là 130 US cent/kg, (hoặc 1.300 USD/tấn).

Các Chính phủ thành viên ANRPC có thể thực thi định giá SPM bằng cách lấy điểm chuẩn theo giá giao lên tàu (FOB) hoặc giá tại vườn. Nếu bất kỳ loại cao su nào được đề xuất xuất khẩu vượt quá giá mục tiêu SPM đặt ra, thì giấy phép xuất khẩu sẽ không được cấp.

Các Chính phủ quốc gia sẽ tính giá bán tại vườn phù hợp trên cơ sở của giá SPM. Việc thực hiện cơ chế này sẽ được điều chỉnh theo quy định pháp luật ở các quốc gia tương ứng. Bất kỳ ai đưa ra bất kỳ giá mua hoặc giá bán nào vượt quá giá mục tiêu, cả giá tối thiểu hay giá tối đa đều bị coi là vi phạm luật hoặc quy định và phải chịu phạt theo luật hoặc quy định ở các quốc gia tương ứng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngành cao su toàn cầu tiếp đà phục hồi, giá bán giữ mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO