Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, các trang trại nhỏ chưa đạt điểm hòa vốn

Thu Hà | 14:00 29/04/2022

Theo khảo sát của Markettimes, giá lợn hơi tuần qua (từ ngày 25-29/4) ổn định, không có sự bứt phá mặc dù được điều chỉnh tăng.

Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, các trang trại nhỏ chưa đạt điểm hòa vốn
Trong tuần qua, giá lợn hơi vẫn chưa thể bứt phá.

Các phiên giao dịch đầu tuần đều đi ngang, đến giữa tuần có tăng nhẹ ở một số tỉnh thành miền Bắc và miền Trung và sau đó ổn định trở lại. Mức giao dịch quanh ngưỡng 53.000 – 57.000 đông/kg.

Cụ thể, giá lợn hơi ngày hôm nay (29/4) ở cả 3 miền đều đi ngang:

Tại thị trường miền Bắc không có biến động mới so với ngày hôm qua, giao dịch quanh mức 53.000 - 58.000 đồng/kg.

Thương lái tại Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên và Phú Thọ hiện đang cùng thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 53.000 đồng/kg.

Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Ninh Bình tiếp tục giao dịch ổn định với giá 54.000 đồng/kg.

anh-1(1).png
Trong tuần qua, giá lợn hơi vẫn chưa thể bứt phá.

Các địa phương còn lại thu mua trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay tại dao động trong khoảng 53.000 - 57.000 đồng/kg.

Tỉnh Quảng Trị thu mua lợn hơi ở mức 57.000 đồng/kg, Thừa Thiên Huế ổn định ở mức 53.000 đồng/kg.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi 55.000 đồng/kg. Các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định, Ninh Thuận vẫn ổn định mức 54.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận 56.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Nam giá lợn hơi giao dịch trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg.

Tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp thu mua lợn hơi ở mức 56.000 đồng/kg, tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ ổn định mức 55.000 đồng/kg; Tỉnh Long An ổn định mức 53.000 đồng/kg; Mức giá 58.000 đồng/kg, ghi nhận tại tỉnh An Giang.

Giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi?

Theo Cục Chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lan rộng sang các địa phương khác nếu việc phát hiện, tiêu hủy không được làm rốt ráo tại các địa phương phát hiện có dịch bệnh. Theo Bộ NN &PTNT, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Việt Nam vào năm 2019, sau 7 tháng đã lan ra 63 tỉnh, thành phố. Đến nay, dịch bệnh này đã gây thiệt hại ước tính 30.000 tỉ đồng. Cục Thú y dự báo vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam nghiên cứu đủ khả năng công bố trong năm nay, thậm chí là trong quý 2/2022.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT, ngoài những khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh cũng gây khó khăn cho ngành chăn nuôi. Dự báo giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Hiện nay, cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp; với giá nguyên liệu thức ăn tăng cao, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn thành phẩm tăng 18-22%. Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi lợn nói riêng giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại bị thua lỗ.

Với mức giá này, để duy trì hoạt động chăn nuôi, các hộ chăn nuôi đã chủ động thích ứng với những giải pháp khác nhau. Ví dụ như giảm lượng thức ăn tinh, tăng thức ăn xanh nhằm giảm chi phí, tránh tình trạng thua lỗ. Còn đối với những trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lớn lại áp dụng giải pháp giảm bớt áp lực thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Đức Sang - Phó Giám đốc Công ty CP Giống vật nuôi Hà Nội, dịch bệnh cùng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến chăn nuôi thua lỗ, các hộ không dám tái đàn. Số lượng lợn giống xuất bán theo đó cũng giảm, đạt khoảng 60 - 70%. Công ty đã chọn giải pháp giảm số lượng, tăng chất lượng đàn lợn nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi.

"Chúng tôi tăng cường thanh lọc, loại thải những cá thể có năng suất chất lượng thấp, những cá thể già làm giảm chất lượng để giữ lại những cá thể năng suất, chất lượng cao cũng như là tổng đầu con nhằm giảm chi phí thức ăn trên 1 kg tăng trọng", ông Sang cho biết.

Bám sát theo định hướng của Chính phủ là chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp; tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu...

Ngoài giải pháp các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi heo đang chủ động áp dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương cũng có nhiều nhóm giải pháp như: tập trung vào tăng cường diện tích canh tác vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng các giống mới cho năng suất cao, đưa thêm vào công thức các loại dưỡng chất nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi cũng như doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn; khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, cải tiến, nâng cao chất lượng con giống trong chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thuận lợi trong xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh; phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, các trang trại nhỏ chưa đạt điểm hòa vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO