Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng mạnh, NHNN tiếp tục định hướng giảm lãi suất

Quốc Thụy | 21:05 07/05/2023

Tuần qua ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến vấn đề nợ xấu, tín dụng, lãi suất và chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng mạnh, NHNN tiếp tục định hướng giảm lãi suất

Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tăng lên 2,91%

Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tính đến cuối tháng 02/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.

Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Cũng tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4/2023, NHNN cho biết đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á.

Danh tính về các tổ chức nhận chuyển giao các ngân hàng trên chưa được công bố, song trong Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, NHNN thông tin rằng, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém .

Trước đó, đã có 4 ngân hàng công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, Vietcombank, HDBank và VPBank.

Sắp tăng vốn “khủng” cho nhóm Big4

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, NHNN cũng cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Ngoài ra, NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Đồng thời trình Thủ tướng và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.

NHNN cũng chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tín dụng mới chỉ tăng 2,75%

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến 25/4, tín dụng tăng 2,75% so với cuối năm ngoái.

Theo Thống đốc, tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các TCTD được cải thiện. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp, nguyên nhân có thể kể đến là: Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi Covid-19 nên không đủ điều hiện vay vốn; Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%);

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 NHTM nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án (Bộ xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án).

NHNN mua 6 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối, đưa lượng lớn VND vào lưu thông

Cũng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.

Với giá chào mua 23.450 đồng/USD duy trì suốt từ đầu năm đến nay, ước tính khoảng 140.000 tỷ VND đã được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.

NHNN tiếp tục điều hành để giảm lãi suất thời gian tới

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, chính sách giảm lãi suất được Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất thiết thực và quyết liệt.

“Lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế giảm khoảng 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%”, Phó Thống đốc cho biết.

Hiện nay, theo thống kê của NHNN, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới vừa được thực hiện thì lãi suất tiền gửi bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%.

Theo Phó Thống đốc, trong thời gian tới, quan điểm của NHNN vẫn là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỉ giá và lãi suất. Chính vì thế, NHNN điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng mạnh, NHNN tiếp tục định hướng giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO