Ngày X?
Đầu tháng 6 được cho là thời điểm Mỹ có thể sẽ vỡ nợ nếu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa ở Hạ viện không tìm được tiếng nói chung trong việc nâng trần nợ. Ngày X được dùng để chỉ ngày mà Bộ tài chính Mỹ không còn tiền để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ. Nếu điều này thực sự xảy ra, Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế top 2 và top 3 thế giới sẽ ra sao là điều mà thế giới quan tâm.
Hai quốc gia này là những chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Theo ước tính, Trung Quốc và Nhật Bản đang nắm giữ khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD - hơn 1/4 trong số 7,6 nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ bán ra nước ngoài.
Theo CNN, Bắc Kinh đã bắt đầu tăng cường mua trái phiếu Kho bạc Mỹ vào năm 2000, sau khi Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - khiến xuất khẩu bùng nổ.
Lúc này, Trung Quốc nắm giữ một lượng USD lớn và cần một nơi an toàn để lưu trữ. Và trái phiếu kho bạc Mỹ được nhiều người coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất thế giới.
Vì vậy, theo thời gian, lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã tăng từ 101 tỷ USD lên mức cao nhất là 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2013.
Trong hơn 1 thập kỷ, đất nước tỷ dân là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên vào năm 2019, Nhật Bản đã “soán ngôi” và nắm giữ vị trí này. Theo CNN trích dẫn, Tokyo hiện nắm giữ 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ - so với 870 tỷ USD của Trung Quốc.
Vì vậy, nếu không may Mỹ thật sự vỡ nợ, hai quốc gia này có thể sẽ gặp biến động không nhỏ.
Hai nhà phân tích tại Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương - Josh Lipsky và Phillip Meng cho biết: “Việc Nhật Bản và Trung Quốc nắm giữ nhiều trái phiếu Kho bạc Mỹ có thể gây tổn hại cho cả hai nước nếu giá trị của nó giảm mạnh”.
Trái phiếu Kho bạc giảm sẽ khiến dự trữ ngoại hối của Nhật Bản và Trung Quốc giảm. Nghĩa là cả hai nước sẽ có ít tiền hơn để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, nợ nước ngoài hoặc hỗ trợ đồng nội tệ.
Tuy nhiên, nếu Mỹ vỡ nợ thật, suy thoái kinh tế toàn cầu mới là vấn đề rủi ro thật sự, hai chuyên gia cho biết. Nó là mối quan ngại với tất cả các quốc gia và có thể gây cản trở đến sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Bởi lẽ, tại quốc gia này, giá tiêu dùng hầu như không thay đổi trong vài tháng qua. Đồng thời tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt - đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4/2023.
Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản cũng chỉ mới có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát - vốn đã “ám ảnh” nước này trong nhiều thập kỷ.
Mức độ “tàn phá”
Tờ CNN cho rằng, ngay cả khi chính phủ Mỹ cạn tiền và không còn các biện pháp để thanh toán hóa đơn thì khả năng Mỹ vỡ nợ vẫn thấp.
Một số nhà lập pháp của quốc gia này đã đề xuất biện pháp là ưu tiên thanh toán lãi trái phiếu cho những trái chủ lớn nhất.
Alex Capri, giảng viên hàng đầu tại Trường Kinh doanh NUS cho rằng nếu muốn làm vậy, Mỹ phải dùng tiền thanh toán cho các nghĩa vụ khác như lương hưu và lương nhân viên chính phủ để thay thế. Nhưng bù lại, nó sẽ ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ lớn đối với các nước như Trung Quốc và Nhật Bản.
Và nếu không có giải pháp thay thế rõ ràng để đối phó với biến động của thị trường, các nhà đầu tư có thể hoán đổi trái phiếu kỳ hạn ngắn lấy trái phiếu dài hạn hơn.
“Điều này thậm chí có lợi cho Trung Quốc và Nhật Bản, bởi cả hai nước chủ yếu nắm giữ trái phiếu kho bạc dài hạn”, Lipsky và Meng nói.
Marcus Noland, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đánh giá: “Mỹ không trả được nợ có nghĩa là trái phiếu Kho bạc giảm, lãi suất tăng, giá trị của USD giảm và biến động gia tăng. Nó cũng có thể khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm, gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản”.
Ngoài ra, nó cũng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu cùng thị trường tài chính thật sự “lao đao”.
Trung Quốc và Nhật Bản đang phụ thuộc vào Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong việc hỗ trợ các công ty và việc làm trong nước.
Lĩnh vực xuất khẩu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh ngành bất động sản đang chững lại. Theo CNN, hoạt động xuất khẩu đã đóng góp 1/5 GDP của Trung Quốc và cung cấp việc làm cho khoảng 180 triệu người.
Ngoài ra Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2022, thương mại Mỹ - Trung đạt mức cao kỷ lục 691 tỷ USD. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ cũng tăng 10% vào năm 2022.
Ông Noland nhấn mạnh: “Khi nền kinh tế Mỹ chậm lại, các tác động sẽ lan sang thương mại, ví dụ khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm hay góp phần gây ra suy thoái toàn cầu”.
Mối quan ngại sâu sắc
Vào ngày 19/5, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản - - Kazuo Ueda đã bày tỏ quan điểm rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở nhiều thị trường khác nhau và khiến kinh tế toàn cầu biến động.
“Ngân hàng Nhật Bản sẽ cố gắng ổn định thị trường dựa trên cam kết sẽ phản ứng linh hoạt với diễn biến kinh tế, giá cả và tài chính”, vị Thống đốc cho biết.
Trong khi đó, cho đến nay, Bắc Kinh chưa có phản ứng gì lớn đối với vấn đề này. Ngoài ra, đầu tháng 5, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc Tân Hoa Xã đã có bài viết cho rằng nếu Mỹ không trả được nợ, điều này có thể sẽ mang lại tổn thất cho Trung Quốc.
Và Tokyo hay Bắc Kinh cũng không thể làm gì nhiều ngoài việc chờ đợi và hy vọng điều tốt nhất có thể xảy ra.
Chưa hết, việc vội vàng bán nợ của Mỹ không phải ý hay. Bởi nó có thể làm tăng đáng kể giá trị đồng Yên hoặc đồng NDT so với USD và khiến chi phí xuất khẩu của họ tăng vọt.
Lợi ích dài hạn?
Về lâu dài, một số nhà phân tích cho rằng nếu kịch bản Mỹ vỡ nợ thật sự xảy đến, Trung Quốc có thể đẩy nhanh nỗ lực tạo ra hệ thống tài chính toàn cầu ít phụ thuộc vào đồng USD hơn.
Được biết, chính phủ Trung Quốc đã đạt được một loạt thỏa thuận với Nga, Ả Rập Xê-Út, Brazil và Pháp để tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư quốc tế.
Một nhà lập pháp Nga cho biết vào năm 2022, các nước thuộc nhóm BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã có sáng kiến tạo ra một loại tiền tệ chung cho thương mại xuyên biên giới.
Điều này có thể sẽ đóng vai trò là chất xúc tác giúp Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đưa các đối tác thương mại của mình tham gia vào sáng kiến ‘Tiền tệ BRICs’ mới được công bố.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một số trở ngại lớn, ví dụ các biện pháp kiểm soát mà nước này áp dụng đối với dòng tiền ra vào nền kinh tế của mình.
Dữ liệu từ hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cho thấy tỷ trọng tài trợ thương mại toàn cầu của đồng nhân dân tệ là 4,5% vào tháng 3, trong khi đồng USD chiếm 83,7%.
Hai chuyên gia Lipsky và Meng cho biết: “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể xuất hiện một giải pháp có khả năng thay thế và đáng tin cậy như đồng USD”.
Tham khảo CNN