Nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia

Linh Khang | 16:36 16/11/2021

“Tôi đánh giá cao chính sách quản lý nợ và tài khóa thận trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19, Việt Nam cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát trển bền vững, huy động đầu tư tư nhân nhiều hơn…”.

Nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia
Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021.

Đó là đánh giá của ông Sebastian Paust, Tham tán - Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Tài chính với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội.

Thể chế tài chính đã được hoàn thiện cơ bản

Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện, kết quả đạt được từ việc triển khai các nội dung của chiến lược là khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính.

“Trong 2 năm qua về mặt chính sách tài khóa, chúng ta đã chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính, ngân sách ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch Covid-19…”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin ông Võ Thành Hưng đưa ra, Việt Nam đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu đặt ra là 32-34% GDP và cao hơn mức 31,7% GDP của giai đoạn 2011-2015.

Chính sách thuế, phí đã được rà soát, hoàn thiện cùng với việc đẩy mạnh và hiện đại hóa quản lý thu ngân sách nhà nước, quy mô thu ngày càng tăng, giai đoạn 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,7% GDP.

Cơ cấu thu ngân sách đang dần bền vững hơn khi tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân 68,7% giai đoạn 2011-2015 lên 82% giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 đạt 85,6%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhấn mạnh thêm: “Thời gian qua nổi bật là thể chế tài chính đã được hoàn thiện cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động phân bổ và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thúc đẩy các yếu tố thị trường, các loại thị trường phát triển, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế các loại hình doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế xã hội”.

Chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong

“Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu trong công tác phòng, chống dịch và các giải pháp tài chính trong thời gian qua cũng được đánh giá là tương đối kịp thời, hiệu quả, song dịch còn diễn biến phức tạp”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng thừa nhận.

Cũng theo ông Hưng, hệ quả tác động còn có thể kéo dài trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng, việc phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng là khó khăn và cần có thời gian.

Do đó việc nghiên cứu xây dựng các giải pháp, trong đó các giải pháp về tài chính, ngân sách nhà nước cho phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp thiết.

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho rằng, quan điểm của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 là chính sách tài chính quốc gia phải đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ , đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số góp phần định hướng, dẫn dắt các nguồn lực xã hội vào các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên thì cần chú trọng hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại thu theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước…”, TS. Nguyễn Như Quỳnh lưu ý.

Cũng theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, cùng với đó là quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, khả năng vay, trả nợ của nền kinh tế. Từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Ông Sebastian Paust, Tham tán - Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đánh giá cao chính sách quản lý nợ và tài khóa thận trọng của Việt Nam.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát trển bền vững; huy động đầu tư tư nhân nhiều hơn; thúc đẩy đầu tư công; đồng thời, thực hiện cải cách về các chính sách thuế, thu ngân sách hiệu quả hơn... Như vậy, chính sách tài khoá phải linh hoạt, điều hành theo hướng bền vững.

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả, hạn chế nguy cơ tổn thất từ các cuộc khủng hoảng hệ thống, Việt Nam cần phải tập trung cải cách khu vực tài chính dựa trên quan điểm khuyến khích, nghĩa là thiết lập một hệ thống các quy định và chế tài để các thành viên thị trường nhận thức đó là lợi ích tốt nhất trên cơ sở đó hành động một cách hiệu quả và thận trọng.

“Hệ thống ngân hàng phải được quản lý, phát triển hoạt động theo hướng vừa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, vừa duy trì ổn định. Phát triển thị trường vốn và cơ sở nhà đầu tư; tăng cường quy định và giám sát thận trọng…”, TS. Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO