Báo cáo khẳng định kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy suy giảm kinh tế vào tháng 10 và dần khởi sắc.
Việt Nam đã đối mặt hàng loạt thách thức khi khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9% so với tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,1% so với tháng 9… cho thấy dấu hiệu khởi sắc nhờ hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, tuy chưa bằng mức trước đợt bùng phát.
WB khẳng định, những diễn biến tích cực có được trong tháng 10 là nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên chặng đường phục hồi vẫn còn dài khi mà tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm 2020.
WB cũng tỏ ra lạc quan khi tháng 9 và tháng 10 Việt Nam có cán cân thương mại thặng dư. Cụ thể, thặng dư thương mại đạt 2,85 tỷ USD trong tháng 10 và tính chung 10 tháng năm 2021 Việt Nam xuất siêu 160 triệu USD.
Báo cáo của WB cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu thể hiện những thách thức trong việc khởi động lại các nhà máy sản xuất ở một số ngành sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, trong đó có thiếu nguyên liệu và lao động.
Nhờ hoạt động sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9.
Đáng chú ý là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 40,2 trong tháng 9 lên 52,1 vào tháng 10. Như vậy, tháng 10 là lần đầu tiên PMI vượt ngưỡng trung tính 50.0 trong 5 tháng qua và điều đó cho thấy điều kiện kinh tế đã được cải thiện đáng kể.
Một phân tích nữa của WB đưa ra là ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư 28.000 tỷ đồng sau 2 tháng thâm hụt. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 74.900 tỷ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, WB đanh giá là đang ổn định khi dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 10 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế đang diễn ra sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư.
Trong đó tăng trưởng tín dụng các ngành dịch vụ, nhóm ngành chiếm tới hơn 60% tổng tín dụng đối với nền kinh tế mức tăng trưởng ổn định ở mức 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng giữ nguyên ở tốc độ tăng trưởng khoảng 12,7%.
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng chững lại ở mức bình quân 0,65%, tương tự như mức ghi nhận vào tháng 9, chấm dứt xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 7/2021. Điều này thể hiện nhu cầu tín dụng đang phục hồi tốt.
Trong báo cáo của mình WB đưa ra khuyến nghị về 3 hướng hành động chính trong tiến trình mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế:
Thứ nhất, về mặt y tế, việc tiếp tục triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng, kết hợp cảnh giác thông qua các biện pháp xét nghiệm và cách ly trong bối cảnh số ca nhiễm sẽ gia tăng song song với sự gia tăng mức độ di chuyển và tiếp xúc.
Thứ hai, thực thi chính sách tài khóa chủ động hơn sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục giám sát chặt chẽ trạng thái của khu vực tài chính, trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn.
Thứ ba là lạm phát cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá.