Cùng dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương và các Ủy ban của Quốc hội.
Các đại biểu dự phiên họp đã tập trung thảo luận về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu của các chiến lược, đề án; các nội dung cơ bản và chi tiết của chương trình, đề án; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công tổ chức thực hiện các chương trình, đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, cơ bản đồng tình với các đóng góp, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh sửa và khẩn trương hoàn thiện để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, chương trình, dự án.
Thủ tướng lưu ý, Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự liên thông và gắn kết chặt chẽ.
Theo đó, về “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải xây dựng bám sát Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và căn cứ kết quả, bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể; lấy cấp cơ sở làm nền tảng để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch.
Nội dung Đề án cũng cần quan tâm, làm rõ một số vấn đề lớn như: Khắc phục những hạn chế, bất cập trong chống dịch vừa qua; tập trung hoàn thiện biện pháp chống dịch, chú trọng nâng cao năng lực điều trị; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế; nghiên cứu, thành lập Quỹ phòng, chống dịch; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine; tăng cường hợp tác công-tư, huy động hiệu quả nguồn lực y tế tư nhân...
Ưu tiên bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn đã cho thấy sự đúng hướng và cần thiết của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo chuyển biến tích cực trong thực tế.
Chúng ta chưa tiến hành tổng kết toàn diện, nhưng đã dần hình thành công thức, lý thuyết chống dịch.
Theo đó, ba trụ cột phòng chống dịch là cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, thực hiện các biện pháp y tế, an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả để giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, giảm tử vong. Phương châm phòng chống dịch là 5K + Vaccine, Thuốc đặc hiệu + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức người dân + Các biện pháp khác…
Thủ tướng yêu cầu, Đề án cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch gần 2 năm qua, đưa ra dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước để xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp, trong đó phải tính toán rất cụ thể về nguồn lực, nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể mà các chủ thể phải triển khai trong từng kịch bản.
Đối với “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo phải gắn chương trình này với tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng... Trong đó chính sách tiền tệ phải gắn kết, bổ trợ với chính sách tài khóa nhằm đảm bảo các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra lạm phát.
Thủ tướng lưu ý tính toán kỹ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, không ngừng cải thiện đời sống của người dân, củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, giải quyết được các vấn đề về xã hội, môi trường.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng, Thủ tướng đề nghị đề án đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, xã hội, giáo dục, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…
Về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Với mục tiêu phấn đấu đến hết nhiệm kỳ có cao tốc thông suốt từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Trong đề án cần nghiên cứu phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, triển khai dự án; huy động nguồn lực từ khu vực đầu tư tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư...
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách, chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023.
Giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành xây dựng dự án.
Thủ tướng cũng đề nghị đề án cần phân tích, làm rõ nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, điều hành một cách nghệ thuật và khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, trong đó nguồn vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Các chương trình, đề án phải được xây dựng theo hướng ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, sắc sảo; trong đó cần nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực để thực hiện.