Đó là nội dung đang được Bộ Tài chính đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá.
Theo Bộ Tài chính, việc quản lý sách giáo khoa hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá.
Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá theo quy định Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Hiện nay các nhà xuất bản tự xây dựng, xác định giá và thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai.
Cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, phê duyệt, không định giá sách giáo khoa.
Bộ Tài chính cho biết, triển khai quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, qua thực tế tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của Bộ Tài chính và ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến “Theo quy định của Luật Giá, sách giáo khoa không nằm trong nhóm hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, vì vậy việc bổ sung theo đề nghị của Chính phủ là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá những tác động cụ thể khi ban hành chính sách mới để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá hoặc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để điều chỉnh nội dung này”.
Hiện Bộ Tài chính đã đánh giá việc thi hành Luật Giá và đang trình Chính phủ dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giá, trong đó có việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Bộ Tài chính cho biết, khi chưa đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thì tiếp tục áp dụng biện pháp kê khai giá đối với mặt hàng này. Cụ thể, trong năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho phép phát hành 3 bộ sách lớp 2 và 3 bộ sách lớp 6, theo đó các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, bao gồm cả kit test xét nghiệm vào diện bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế về danh mục mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế cụ thể đưa vào bình ổn giá.
Theo đó, trong giai đoạn đầu xảy ra dịch Covid – 19 một số hàng hóa như chất sát khuẩn, khử khuẩn, khẩu trang... phục vụ phòng chống dịch bệnh có hiện tượng tăng giá mạnh do nguồn cung thiếu hụt.
Ngay sau đó Bộ Tài chính đã có văn bản góp ý với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện giá xét nghiệm, có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công khai giá vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, đơn vị tham khảo mua sắm phục vụ phòng chống dịch Covid – 19.
Đề nghị Bộ Y tế tăng cường công khai về giá thuốc, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm… trên trang điện tử của Bộ Y tế theo quy định.
Theo thống kê trên các trang điện tử của Bộ Y tế, đến nay Bộ Y tế đã công khai khoảng 65 nghìn giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế, khoảng 93 nghìn giá trúng thầu trang thiết bị, vật tư y tế và khoảng 45 nghìn giá chào bán trang thiết bị, vật tư y tế.