Đáng chú ý, nạn nhân ở Singapore phải đối mặt với mức thiệt hại trung bình cao nhất.
Con số này vượt xa mức 55,3 tỷ USD năm 2021 và 47,8 tỷ USD năm 2020.
Giám đốc điều hành của Gasa, Jorij Abraham, đã tiết lộ thông tin này trong bài phát biểu khai mạc vào ngày 18/10 tại Hội nghị thượng đỉnh chống lừa đảo toàn cầu thường niên lần thứ tư ở Lisbon, Bồ Đào Nha, kéo dài hai ngày.
Nghiên cứu đã khảo sát 49.459 cá nhân từ 43 quốc gia, ngoại suy dữ liệu dựa trên dân số của mỗi quốc gia.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các nạn nhân ở Singapore là những người mất nhiều tiền nhất thế giới vì lừa đảo, trung bình 4.031 USD/nạn nhân. Thụy Sĩ đứng thứ hai với mức 3.767 USD, tiếp theo là Áo với 3.484 USD. Các quốc gia giàu có này đang trở thành mục tiêu chính của những kẻ lừa đảo.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Abraham nhấn mạnh mức độ phổ biến của các hình thức lừa đảo mua sắm trực tuyến, đánh cắp danh tính và lừa đảo đầu tư trên toàn cầu.
Những hình thức này nằm trong 10 hình thức lừa đảo hàng đầu ở Singapore, theo The Strait Times, trong đó lừa đảo trực tuyến – một phương thức đánh cắp danh tính – là hình thức phổ biến nhất vào năm 2022. Có 7.097 trường hợp lừa đảo trong năm đó, các nạn nhân thiệt hại 16,5 triệu USD.
Cảnh sát cho biết những kẻ lừa đảo thường mạo danh các quan chức hoặc tổ chức uy tín để lừa nạn nhân tiết lộ thông tin thẻ tín dụng và thông tin tài khoản ngân hàng của họ.
Ông Abraham cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo đang sử dụng các phương pháp tinh vi hơn, khiến các kỹ thuật phát hiện lừa đảo truyền thống trở nên thiếu hiệu quả.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như chặn các trang web lừa đảo, để bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn. “Người tiêu dùng được khuyến khích phải kiểm tra đánh giá nhưng có rất nhiều đánh giá giả mạo. Họ cũng biết rằng những kẻ lừa tình trước đây thường không lộ mặt trên video, nhưng giờ đây chúng có thể làm điều đó bằng cách sử dụng công nghệ deep fake”.