Phiên sáng 29/9 (Giờ Việt Nam), giá dầu thô phủ sắc đỏ khi dầu WTI giảm 0,43 USD/thùng (0,52%) xuống mức 81,72 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,47 USD/thùng (0,53%) xuống mức 88,85 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 28/9 ngày hôm qua, giá WTI tăng 4,65% lên 82,15 USD/thùng, giá Brent tăng 3,75% lên 88,05 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã lấy lại được mốc 80 USD/thùng sau khi tăng hơn 4% phiên hôm qua.
Theo CNBC, giá dầu tăng nhờ báo cáo cho thấy sự sụt giảm bất ngờ của các kho dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ, vượt qua áp lực giảm do đồng USD Mỹ tiếp tục mạnh lên.
Cụ thể, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 215.000 thùng trong tuần gần đây nhất, trong khi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất lần lượt giảm 2,4 triệu và 2,9 triệu thùng.
Bên cạnh đó, giá xăng bán buôn cũng đang tăng ở Mỹ sau khi các nhà máy lọc dầu ở Trung Tây và Bờ Tây đóng cửa.
Sáng nay, yếu tố gây sức ép lên giá dầu là cơn bão Ian đổ bộ vào Mỹ, chưa gây ra đe dọa nào tới các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh Mexcio. Công ty BP cũng đã nhanh chóng đưa nhân công trở lại giàn khoan, mọi thứ hoạt động bình thường trở lại, yếu tố tăng giá không còn.
Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu năm 2023 vào thứ Ba, bởi họ cho rằng, nhu cầu sẽ yếu hơn, trong bối cảnh đồng USD mạnh hơn.
Tuy nhiên, rủi ro mất cân bằng cung – cầu cũng là một trong các lý do chính mà ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent và WTI vẫn có thể đạt lần lượt 100 và 95 USD/thùng trong quý IV.
Sắp tới, nhóm nhà sản xuất OPEC+ sẽ họp vào ngày 5/10. Có thông tin cho rằng, Nga có khả năng đề xuất cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, để đẩy giá dầu thô không xuống quá thấp so với kỳ vọng dao động quanh ngưỡng 90 USD/thùng.
Trong khi, EU dự định tăng cường cấm vận lên ngành dầu của Nga do căng thẳng leo thang tại Ukraine. Cụ thể, ngoài lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, EU cũng sẽ cấm các công ty châu Âu vận chuyển dầu Nga đến các nước khác, nếu giá dầu vận chuyển cao hơn trần giá quốc tế. Các chi tiết về gói cấm vận mới được kỳ vọng sẽ làm rõ trước tháng 12.