Luật còn thiếu cơ chế giám sát, phản biện về giá đất

Lê Sáng | 22:13 17/07/2022

Theo các chuyên gia, việc phê duyệt giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 hiện nay dường như đang có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vô tình “tiếp tay” cho tham nhũng, lợi ích nhóm hình thành.

Luật còn thiếu cơ chế giám sát, phản biện về giá đất
Theo các chuyên gia, giá đất là gốc rễ của mọi vấn đề đang tồn tại liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm hiện nay. Trong ảnh là khu vực bán đảo Thủ Thiêm, nơi vừa có phiên đấu giá "hụt" kỷ lục 2,4 tỷ đồng một m2 đất. Ảnh:int

Thời gian qua, cùng với quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, một loạt các vụ án liên quan đến đất đai đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó, một trong những vấn đề nổi lên từ các vụ án nói trên là dường như công tác xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất đang tồn tại những kẽ hở, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Đầu tiên, điểm “hở” đáng chú ý nhất và đã được nhiều chuyên gia nêu ý kiến là việc các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố đang “tự đá bóng, tự thổi còi” trong việc xác định giá đất làm căn cứ tính giá khởi điểm đấu giá đất hay để tính tiền sử dụng đất đối với các dự án được giao, cho thuê đất.

Cụ thể, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định của UBND tỉnh được thực hiện trên cơ sở kết quả tư vấn xác định giá đất do cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh (tức Sở Tài nguyên và Môi trường) trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét.

Thế nhưng Hội đồng thẩm định giá đất lại do chủ tịch UBND cấp tỉnh làm chủ tịch và thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Điều đó cũng đồng nghĩa, quy trình xây dựng giá đất cụ thể của UBND cấp tỉnh không có cơ quan nào kiểm duyệt, hay nói cách khác không bị phản biện.

Sự điều chỉnh quá “thoáng” của các quy định pháp luật hiện nay là hệ quả tất yếu để hình thành nên sản phẩm là các giá đất cụ thể theo kiểu áp đặt từ phía UBND cấp tỉnh, chính xác hơn từ ý chí của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh.

Theo đó, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng nếu như người đứng đầu có tâm, có tầm và lo nghĩ cho cái chung thì giá đất cụ thể sẽ hình thành đúng bản chất, phù hợp với với giá phổ biến trên thị trường. Còn ngược lại, giá đất cụ thể tất sẽ bị “dìm” để chảy vào túi nhóm lợi ích, còn ngân sách thất thu.

Về nguyên nhân dẫn đến sự “mập mờ” trong công tác xác định giá đất, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa là đến từ việc quy định của Luật Đất đai 2013 cũng như các văn bản dưới Luật chưa tạo ra được cơ chế xác định giá đất phù hợp phù hợp và sát với với giá thị trường.

Cụ thể, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013 là phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” nhưng trên thực tế thực hiện thì hầu như lại thoát ly khỏi giá cả thị trường.

Về thực trạng này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng ngay từ khi thông qua Luật Đất đai năm 2013, Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra rằng, khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường.

Tương tự, bảng giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30% đến 60% giá đất thị trường tại địa phương. Toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Do vậy, giá đất mang nặng tính áp đặt, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.

Từ những tồn tại liên quan đến giá đất nói trên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính đất đai, giá đất nhằm một mặt giải quyết những ách tắc trong tổ chức thực hiện, mặt khác khắc phục tình trạng lợi dụng trục lợi, tham nhũng từ đất đai…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Luật còn thiếu cơ chế giám sát, phản biện về giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO