Sống giữa bất cập, vì sao nhiều cư dân trên đường Lê Văn Lương vẫn không chuyển nhà?

Lâm Tùng SM | 15:00 14/07/2022

“Hành xác” mỗi ngày trên con đường Lê Văn Lương (Hà Nội) chật cứng, có khi mắt thấy nhà mà cư dân cao ốc khu vực này vẫn phải "hít khói" thêm 30 phút mới tới được căn hộ của mình. Dẫu vậy, họ vẫn khó có lựa chọn khác.

Sống giữa bất cập, vì sao nhiều cư dân trên đường Lê Văn Lương vẫn không chuyển nhà?
Gần 40 cao ốc "nêm chặt" tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội.

Anh Lê Hòa sống tại Imperia Garden Nguyễn Tuân nhiều lần chán nản với cảnh ùn tắc trên đường Lê Văn Lương. Mua nhà tại một dự án cao cấp, ở nơi từng được xem là đáng sống, nhưng qua mỗi năm, khu vực này lại bộc lộ thêm nhiều vấn đề. Dù nhiều lần muốn chuyển đi nơi khác, anh Hòa chưa tìm thấy lựa chọn phù hợp hơn, xét cả về giá lẫn tiện ích.

dji_0649.jpg
Gần 40 cao ốc nêm chặt tuyến đường Lê Văn Lương. Ảnh: Lâm Tùng

Ám ảnh vì cảnh giao thông ùn tắc

Chiều muộn đầu tháng 7, Hà Nội mưa tầm tã, anh Hòa cùng hàng trăm người khác mắc kẹt ở chân cầu vượt Lê Văn Lương – Láng Hạ. Đường từ cơ quan ở Nguyễn Thái Học về nhà chỉ khoảng 5 km nhưng nhiều lần anh mất gần 3 tiếng để về tới nhà ở đường Nguyễn Tuân.

“Đáng sợ” là nhận xét của anh Hòa về những lần mắc kẹt trên đường Lê Văn Lương. “Chung cư, văn phòng dày đặc nên sau 5 giờ chiều, người từ đây đổ ra, người từ nơi khác đổ về khiến tuyến đường chỉ toàn tiếng còi xe. Những ngày mưa, tình trạng tắc đường còn khủng khiếp hơn nhiều lần”, anh Hòa cảm thán.

Oái oăm hơn, gia đình chị Diệu Linh vừa quyết định bán nhà sau gần 2 năm sống tại một chung cư trên đường Vũ Trọng Phụng. Giao thông ùn tắc, đường quy hoạch dở dang khiến chị như “đánh vật” mỗi ngày trên đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Trước đó, chị Linh sống tại Linh Đàm – nơi từng được xem là khu đô thị kiểu mẫu nhưng sau đó cũng bị “bức tử” bởi hàng loạt cao ốc “nhảy dù” vào quy hoạch.

“Liên tục chuyển nhà rất mệt mỏi, cảm giác như cả gia đình đang phải chạy trốn khỏi những bất cập của đô thị, hết nơi này đến nơi khác. Khi đến khu này, tôi tưởng thoát khỏi cảnh siêu đông đúc, nhưng giờ Lê Văn Lương cũng chẳng hơn Linh Đàm hay Vũ Trọng Phụng”, chị Linh chán nán nói.

Ông Lê Học vừa chuyển về sống cùng con trai ở chung cư Việt Đức Complex gần 3 tháng nay. Điều khiến ông không hài lòng nhất là khu chung cư thiếu khoảng xanh và mật độ giao thông khu vực quá đông đúc.

“Khu này không có không gian đi bộ, thể dục nên tôi thường sang công viên hồ điều hòa Nhân Chính phía đối diện để đi bộ. Có lần về đúng khung giờ tan tầm, tôi loay hoay gần 15 phút mới sang đường được để về nhà”, ông Học kể.

Tuyến Lê Văn Lương dài 2 km nhưng “cõng” gần 40 cao ốc, chưa kể các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Minh Giám… cũng dày đặc chung cư. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, nhiều dự án trên đường Lê Văn Lương xây vượt tầng so với quy hoạch, không đảm bảo chỉ tiêu cây xanh, trường học. Việc này đã và đang làm gia tăng dân số và tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng.

lại chịu bực nhưng đi không dễ

Anh Thái Hòa mua căn hộ tại Imperia Garden từ năm 2015. Thời điểm khu Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân chưa có nhiều cao ốc như hiện tại. Bấy giờ, nhiều người tin rằng khu vực này là một trong những nơi đáng sống ở Thủ đô.

Tuy nhiên chỉ sau 6 năm, nhiều cao ốc mới mọc lên trong khi hạ tầng không có nhiều cải thiện, khu vực này bộc lộ hàng loạt vấn đề. Anh Hòa muốn chuyển nhà sang nơi khác song vẫn chưa tìm được dự án phù hợp.

“Tìm được một căn hộ gần trung tâm, có nhiều lựa chọn về trường học cho con, lại có nhiều tiện ích như ở đây là không dễ. Dù đã tìm hiểu nhiều dự án khác, tôi vẫn chưa thể chuyển nhà vì khu đẹp thì quá đắt, phải trên 60 triệu/m2; khu đẹp mà giá vừa phải thì lại quá xa”, anh Hòa kể.

ndt47265a.jpg
Không gian chung trở thành nơi đỗ xe. Ảnh: Lâm Tùng

Ở góc nhìn của người quan sát thị trường khu vực này nhiều năm, anh Hải – môi giới chung cư, cho rằng bất cập là có thật nhưng nhìn chung, mặt bằng giá chung cư tại Lê Văn Lương và một số tuyến đường lân cận vẫn ở mức dễ tiếp cận. Chỉ cách đó khoảng 5 km, trung bình giá chung cư tại Cầu Giấy cao hơn khu này khoảng 10 triệu đồng/m2. Còn các khu vực khác như Hà Đông, Nguyễn Trãi, Thanh Trì hay Hoàng Mai, vị trí xa hơn và tiện ích, dịch vụ cũng không thuận lợi như khu vực này.

“Đó là lý do nhiều người dù không thích nhưng đành ở lại khu vực này. Hiện có một xu hướng là những người làm tại các toà văn phòng ở khu này tìm mua lại các căn hộ tại đây, để chỉ phải đi bộ đi làm. Họ có thể đi lên vỉa hè, len qua làn xe để đi làm và trở về mà không bị tắc như khi đi ô tô, xe máy”, môi giới Hải nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sống giữa bất cập, vì sao nhiều cư dân trên đường Lê Văn Lương vẫn không chuyển nhà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO