Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện thành phố có tới hơn 400 dự án "treo bền vững" hàng thập kỷ qua.
Con số dự án treo “khủng” nói trên đã và đang kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh,…
Nhận định về tình trạng trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng có thể nguyên nhân chính đến từ việc đang có lợi ích nhóm, quyền lợi của chủ đầu tư đã được “gắn” với cơ quan, công chức quản lý, thừa hành luật pháp.
“Tôi có cảm giác chính quyền Hà Nội dường như không muốn thu hồi các dự án treo. Lý do tại sao thì tôi không biết nhưng có thể hồ đoán và có khả năng xảy ra nhất trong thực tế dù chưa có căn cứ là việc chính quyền địa phương với các nhà đầu tư đang đứng về một phía, khi đó, có tiền bôi trơn rồi nên để thu hồi cũng khó”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.
Chia sẻ về quá trình hình thành các dự treo tại Hà Nội, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ trong các giai đoạn trước đây khi quy định về xin và cấp dự án còn tương đối “dễ” thì nhiều chủ đầu tư do có quan hệ dù không có tiền nhưng vẫn xin được dự án, có đất rồi thì thở phào nhẽ nhõm là đã có đất.
“Sau khi xin được đất thì chủ đầu tư mới túc tắc đi tìm kiếm nguồn vốn, có khi lâu quá thì cứ để đất đấy miễn là cơ quan nhà nước không “sờ gáy” và từ trước đến nay, Hà Nội cũng hiếm khi “sờ gáy” doanh nghiệp nào có dự án treo. Do đó, có những dự án đã giao đất đến 20 năm nhưng nếu chưa có sự đôn đốc thì doanh nghiệp cứ để đấy do cho rằng đã nộp tiền sử dụng và được giao đất rồi, đầu tư chậm ngày nào hay ngày đó, giá đất vẫn lên, lãi vốn gấp nhiều lần việc đầu tư dự án”, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết.
Thực tế cho thấy, hiện nay, pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ đối với việc giám sát và xử lý các dự án treo.
Cụ thể, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, UBND cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm theo dõi toàn bộ trách nhiệm việc thực thi pháp luật trên địa bàn, xử lý những trường hợp các dự án triển khai trái quy định của pháp luật, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo lên trên. Nhiều cấp cơ sở nói rằng không biết việc dự án vi phạm về tiến độ, giả sử như nếu cấp trên phê duyệt dự án mà không chuyển hồ sơ về thì cấp cơ sở phải lên cấp trên đòi hồ sơ về.
“Nếu dự án có cấp huyện cấp thì cấp tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, UBND cấp tỉnh cấp thì Thanh tra Chính phủ hay Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng,… đều phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra. Với những dự án lớn hơn nữa thì có cả Quốc hội giám sát. Như vậy, chúng ta có vcó rất nhiều cơ quan tham gia thanh tra, kiểm tra nhưng thực tế công tác này lại chưa thật sự hiệu quả”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.
Chia sẻ về giải pháp cho tình trạng trên, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng mấu chốt của vấn đề là cần có quy định để điều chỉnh những “khoảng hở” liên quan đến lợi ích bởi nếu chính quyền còn làm ngơ cho dự án treo thì chắc chắn phải có lợi ích nhóm ở đâu đó.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có tình trạng trạng mất cân đối cung cầu hiện nay thì việc để hàng trăm dự án treo cần sớm được xử lý. Chính phủ cần sớm chỉ đạo tổng rà soát về dự án treo trên cả nước.
“Trong quá trình rà soát, cần phân loại, tìm ra những cán bộ có trách nhiệm liên quan từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, sai sót ở đâu thì xử lý ở đó. Không nghiêm khắc thì hệ thống chính quyền không thể mạnh được, những ai “tiếp tay” cho dự án treo thì cần phải xử lý, có như vậy mới có được thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh được”, Giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến cáo.
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thành phố hiện có hơn 400 dự án treo. Trong đó, những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…