Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, tuy nhiên tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng đề ra, ước tăng 4,72% (mục tiêu 7-7,5%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,48%, dịch vụ tăng 4,38%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,59%.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các cơ quan đơn vị đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030.
Bên cạnh đó, tổ chức các Hội nghị làm việc với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; Hội nghị gặp mặt, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn năm 2024 nhằm kết nối thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh; Hội nghị đánh giá chỉ số PCI, PGI năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2024.
Các Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh và Tổ công tác hỗ trợ đầu tư đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và các dự án đầu tư trên địa bàn. Với các hành động thiết thực, giải pháp cải thiện hiệu quả, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 thăng 02 hạng so với năm 2022, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tỉnh Lạng Sơn đạt kết quả cao. Theo đó, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ, tính đến ngày 13/6/2024, đã thành lập mới 576 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch, tăng 121% so với cùng kỳ với tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 195%, có 130 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15%.
Tuy nhiên, hoạt động của một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 dẫn đến số lượng doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể vẫn ở mức cao so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, có 360 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ; 98 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, tăng 102%; 72 doanh nghiệp đã hoàn thành giải thể, tăng 65%.
Số doanh nghiệp mới ra nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 176 doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 55.350 tỷ đồng, 763 chi nhánh, văn phòng đại diện. Công tác phát triển kinh tế tập thể được quan tâm, đã thành lập mới 26 hợp tác xã, đạt 52% kế hoạch với tổng số vốn đăng ký là 46,12 tỷ đồng, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 511 hợp tác xã với tổng số vốn khoảng 1.162,1 tỷ đồng.
Công tác thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo chặt chẽ, đến nay, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 07 dự án, tăng 02 dự án so cùng kỳ, tổng vốn đầu tư 5.199 tỷ đồng, tăng 3.221 tỷ đồng, tương đương 262,9%. Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024, UBND tỉnh đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 18.600 tỷ đồng; trao 9 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 21.500 tỷ đồng.
Để đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể. Tập trung rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện dự án đúng quy trình, tuân thủ quy định pháp luật.