VSIP muốn chuyển 105 ha đất lúa và 132 ha đất rừng sản xuất làm khu công nghiệp 600ha tại Lạng Sơn

Lê Sáng | 16:41 13/12/2023

Nếu được thông qua tham vấn đánh giá tác động môi trường, dự án Khu công nghiệp quy mô 600 ha của VSIP tại Lạng Sơn sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng của 105,5 ha đất lúa và hơn 132,7 ha đất rừng sản xuất.

VSIP muốn chuyển 105 ha đất lúa và 132 ha đất rừng sản xuất làm khu công nghiệp 600ha tại Lạng Sơn
Dự án VSIP Lạng Sơn dự kiến sẽ chuyển đổi 105,5 ha đất lúa và hơn 132,7 ha đất rừng sản xuất. Ảnh minh họa

Ngày 11/12/2023, Công ty TNHH VSIP Lạng Sơn, doanh nghiệp thành lập ngày 03/07/2023, thuộc sở hữu của Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) đã bắt đầu lấy ý kiến tham vấn cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn” - VSIP Lạng Sơn.

Về quy mô của Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, theo báo cáo ĐTM đang lấy ý kiến tham vấn, dự án có quy mô diện tích 599,76 ha tại xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn nằm trong hồ sơ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 42/NQ-CP 09 tháng 05 năm 2018.

Đại diện chủ đầu tư dự án là ông Bùi Đăng Thoan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Lạng Sơn.

Được biết, quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (VSIP Lạng Sơn) tỷ lệ 1/2000 được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn thông qua tại Nghị Quyết số 27/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 và được phê duyệt tại Quyết định số 1554/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn” đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Về các yếu tố nhạy cảm về môi trường, theo báo cáo ĐTM đang lấy ý kiến tham vấn, dự án chiếm dụng diện tích đất trồng lúa khoảng 105,5 ha; đất trồng rừng sản xuất 132,742 ha. Đồng thời, dự án cũng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác là 132,742 ha.

Bên cạnh đó, dự án cũng yêu cầu di dân tái định cư tại xã Hồ Sơn gồm 4 thôn (Trại Nhạm, Nhất Hà, Phú Vị, Tám Nhăm) với 213 hộ và 904 nhân khẩu phải di dời; xã Hòa Thắng gồm 3 thôn (Suối Ngang 1, Suối Ngang 2, Xóm Chùa) với 230 hộ và 860 nhân khẩu phải di dời.

Theo Báo cáo ĐTM của VSIP Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 1691/QĐ-UBND ngày 18/10/2023 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã được phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 4113/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 của UBND huyện Hữu Lũng .

Như vậy, theo báo cáo ĐTM đang lấy ý kiến tham vấn, ngoài diện tích đất rừng sản xuất, phạm vi dự án VSIP Lạng Sơn cũng sẽ có 105,5 ha đất trông lúa.

Liên quan đến trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 1; Điểm đ, Khoản 4, Điều 28; Điểm b, Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường và quy định tại Mục 6, Phụ lục IV Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2002 của Chính phủ thì dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai là dự án nhóm II thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường.

Cũng theo Bộ TN&MT, căn cứ điểm b, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai quy định dự án có sử dụng đất trồng lúa thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa.

Ngoài ra, theo điểm 4, điều 9 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP bổ sung Điều 68a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 hiện quy định điều kiện, tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư là “có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có)”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
VSIP muốn chuyển 105 ha đất lúa và 132 ha đất rừng sản xuất làm khu công nghiệp 600ha tại Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO