Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố danh sách 62 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2022.
Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như CIG, DLG, DXV, HNG, HOT, HU1, HU3, ITA, MCG, OGC, PMG, PTL, RDP, SCD, SII, SJD, TCR, TNI, TTF, VFG, VOS,...
Xuất hiện trong danh sách còn thêm nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC như FLC, GAB, HAI. Mã chứng khoán ROS không còn có tên trong danh sách do đã bị huỷ niêm yết bắt buộc từ 5/9. Về nguyên nhân bị cắt margin trong quý 4, cổ phiếu GAB thì trong danh sách hạn chế giao dịch kể từ 5/10 còn FLC và HAI đang thuộc diện đình chỉ giao dịch, chưa rõ thời gian trở lại sàn.
Một số cổ phiếu "nóng" trong giai đoạn trước cũng thuộc diện bị cắt margin trong quý 3 như TGG của nhóm Louis; mã JVC, NVT của nhóm "DNP-Tasco"...
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng tiếp tục bị cắt margin quý 4 do đang trong diện kiểm soát của HoSE. Với việc bị đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, mã chứng khoán ngành bất động sản khu công nghiệp LHG - Long Hậu cũng bị HoSE cắt margin trong quý 4 này.
Bên cạnh đó, danh sách 62 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ quý 4 còn một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin như FIR, hay chứng chỉ quỹ FUEVTVGF4 của Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 4, FUEDCMID của Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP.
Một vài nguyên nhân dẫn đến việc cắt margin còn là việc doanh nghiệp có lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ/LNST trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm như AGM, ASP, BCE, HAS, KHP, MHC, POM, PSH, PTC, SBV, SJF... hoặc Công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm thuế như SCS, TDW.
Hai mã chứng chỉ quỹ FUEIP100 của Quỹ ETF IPAAM VN100 và FUEKIV30 của Quỹ ETF KIM Growth VN30 cũng không được phép giao dịch ký quỹ trên HoSE trong quý 4 do quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp.
Một điểm đáng chú ý, cổ phiếu VIC của Vingroup đã không có tên trong danh sách các mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Trước đó, Vingroup đã công bố báo cáo kiểm toán bán niên với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 5.846 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ.
Việc có lãi trong 6 tháng đầu năm đã giúp VIC đủ điều kiện để được giao dịch ký quỹ trở lại. Trước đó, VIC đã bị cắt margin từ ngày 5/4 vì ghi nhận lỗ 7.558 tỷ đồng năm 2021. Nguyên nhân lỗ do tài trợ 6.072 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và trích lập dự phòng 4.494 tỷ đồng để thanh toán cho các khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng liên quan đến quyết định ngừng sản xuất xe để tập trung sang xe điện. Theo quy định, cổ phiếu của một công ty sẽ bị cắt margin khi ghi nhận lỗ trên BCTC bán niên hoặc BCTC năm.