Đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) khánh thành vào năm 2011 sau 7 năm xây dựng. Dự án được hỗ trợ đầu tư gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Hiện, đây là đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và là đường hầm được thi công bằng công nghệ đúc, dìm dài nhất Đông Nam Á. Tính đến thời điểm xây dựng, đây là con đường thứ hai kết nối bán đảo Thủ Thiêm và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Hầm có điểm đầu nằm ở Q.1 và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức. Khi đưa vào sử dụng, đường hầm đã rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân vào trung tâm và góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, dự án cũng tạo tiền đề phát triển cho khu đô thị phía Đông của thành phố. Bởi, đường hầm sông Sài Gòn kết nối trực tiếp với trục đường Mai Chí Thọ, con đường xuyên tâm trọng yếu của đô thị Thủ Thiêm. Trên hình là lối vào đường hầm giao với trục đường Mai Chí Thọ.
Theo bản thiết kế mặt cắt, hầm rộng hơn 33m và cao gần 9m. Với tổng chiều dài gần 1.500m, hầm được chia làm 3 đoạn chính gồm: hầm dẫn phía TP. HCM (tổng chiều dài 585m); hầm dẫn phía Thủ Thiêm (tổng chiều dài 535m); hầm dìm (tổng chiều dài 370m).
Hầm có hai chiều xe, mỗi chiều có 3 làn gồm 2 làn ô tô và 1 làn xe máy. Khi lưu thông trong hầm, vận tốc cho phép tối đa đối với xe máy và ô tô lần lượt là 40km/h và 60km/h. Giữa làn xe máy và ô tô được ngăn cách bởi hệ thống cọc nhựa có gắn phản quang.
Vì hầm được thiết kế nằm sâu dưới lòng sông Sài Gòn nên vấn đề an toàn khi lưu thông bên trong hầm được bảo đảm tuyệt đối. Các hệ thống kỹ thuật bên trong hầm như hệ thống thông gió, bơm nước, hút ẩm, chiếu sáng, thông tin liên lạc báo động, chống cháy nổ và những bộ phận tự động đo độ ồn, độ ẩm, khói bụi… đều được trang bị bằng các thiết bị tiên tiến nhất.
Bên cạnh đó, chất lượng công trình cũng được kiểm soát 24/24. Hầm có hệ thống camera theo dõi và chuông báo động để kịp thời ứng phó nếu có rủi ro. Chạy dọc theo chiều dài của đường hầm có 37 lối thoát hiểm nhằm đảm bảo có thể ngay lập tức phản ứng nhanh với những sự cố xảy ra bên trong đường hầm.
Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của khu vực phía Đông thành phố thế nên để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, đường hầm vượt sông Sài Gòn được thiết kế cho 45.000 ô tô và 15.000 xe gắn máy lưu thông mỗi ngày.Được biết, hầm được xây dựng với vật liệu chính là bê tông cốt thép. Theo thiết kế, đường hầm này có thể chịu đựng được các tác động của động đất cấp độ 7 và duy trì chất lượng trong 100 năm.
Việc hoàn thiện đường hầm sông Sài Gòn không chỉ xóa thế ốc đảo cho khu đô thị hiện đại Thủ Thiêm mà nó còn góp phần hoàn thiện dự án đại lộ Đông - Tây (đường Võ Văn Kiệt - đường Mai Chí Thọ). Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của TP. HCM, khi tạo ra sự kết nối đồng bộ cho hành lang Đông - Tây của thành phố.