Hai tỉnh phía Bắc sở hữu nhà máy Samsung tỷ USD: Có năm tăng trưởng đến 33%, có năm âm hơn 9%

Bài và ảnh: Ngọc Đẹp | 05:45 12/12/2024

Bắc Ninh và Thái Nguyên là hai tỉnh ở phía Bắc được Samsung đến đầu tư với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Sự xuất hiện của Tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã giúp hai địa phương này vươn mình mạnh mẽ nhưng đi kèm là sự phụ thuộc.

Hai tỉnh phía Bắc sở hữu nhà máy Samsung tỷ USD: Có năm tăng trưởng đến 33%, có năm âm hơn 9%

Tập đoàn Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với các dự án tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 22 tỷ USD.

Vì thế, Samsung đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của các địa phương mà Tập đoàn này có mặt. Đặc biệt, Samsung đã góp phần biến Bắc Ninh và Thái Nguyên từ hai tỉnh thuần nông thành 2 tỉnh có kinh tế phát triển hàng đầu cả nước. Nhưng ngược lại, kinh tế của 2 tỉnh cũng bị phụ thuộc khá nhiều vào “ông lớn” Hàn Quốc.

Tỉnh Bắc Ninh

Năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập ở Bắc Ninh, đây là nền móng cho quá trình đầu tư của Tập đoàn này tại Việt Nam. Sau 16 năm, trong tổng số 22 tỷ USD vốn đầu tư của Samsung ở nước ta, thì vốn đầu tư tại Bắc Ninh chiếm gần một nửa.

Kể từ khi Samsung xuất hiện, Bắc Ninh đã có những thay đổi ngoạn mục. Nếu như năm 2005 quy mô GRDP của Bắc Ninh là 1.500 tỷ đồng, thì năm 2010 con số này tăng lên 16.685 tỷ đồng, đến 2023 quy mô đạt hơn 220.000 tỷ đồng (xếp thứ 9/63 tỉnh).

Cũng trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh đạt 40,3 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước), kim ngạch nhập khẩu đạt 33,3 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước).

Về công nghiệp, Bắc Ninh vươn lên là một trong các tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp lớn bậc nhất cả nước. Nổi bật nhất là năm 2021, địa phương này đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng (đứng số một toàn quốc). Trong khi, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước ta, dân số khoảng 1,48 triệu người.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Samsung cũng khiến kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng không đều. Nếu như năm 2021, mức tăng GRDP của tỉnh đạt 6,9%, năm 2022 đạt 7,39% thì năm 2023 lại âm 9,28%, thấp nhất cả nước. Trong năm 2023, 2 nhà máy của Samsung tại tỉnh này đã giảm 11,5% doanh thu và 11,8% lợi nhuận.

Lý giải vấn đề này trên báo Lao động, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, một trong những lý do khiến tỉnh tăng trưởng âm trong năm qua là do phụ thuộc nhiều vào Samsung. Và tỉnh đang tiến tới giảm sự phụ thuộc, hài hòa các doanh nghiệp, thị trường đầu tư cũng như các ngành nghề.

Tỉnh Thái Nguyên

Vào năm 2013, sau 5 năm đầu tư tại Bắc Ninh và gặt hái được nhiều thành công, Samsung đã chính thức quyết định tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên (vốn đăng ký ban đầu 2 tỷ USD). Khoảng một năm triển khai dự án, đến năm 2014 Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức hoàn thành đi vào sản xuất.

Liên tục các năm sau đó, Samsung thực hiện tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đã đạt trên 7,5 tỷ USD (chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh).

Sự hiện diện của Tập đoàn lớn đã tạo nên sức lan tỏa đến kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Nổi bật là sự tăng trưởng GRDP vượt bậc của địa phương này, khi năm 2014 đạt trên 29%, năm 2015 đạt trên 33%; giai đoạn 2014-2022, Samsung đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 22.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động. Nguồn ảnh: Samsung.

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên có giá trị xuất khẩu đạt trên 32 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 932.000 tỷ (đứng thứ 4 toàn quốc). Kết quả đạt được trên có sự đóng góp quan trọng từ SEVT và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn.

Nhưng cũng tương tự như Bắc Ninh, kinh tế của Thái Nguyên bị ảnh hưởng khá mạnh từ kết quả kinh doanh của Samsung. Nếu như năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 8,59% thì năm 2023 giảm xuống còn 5%. Cùng kỳ, doanh thu của nhà máy Samsung Thái Nguyên giảm 16,4% và lợi nhuận giảm 37%.


(0) Bình luận
Hai tỉnh phía Bắc sở hữu nhà máy Samsung tỷ USD: Có năm tăng trưởng đến 33%, có năm âm hơn 9%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO