Cụ thể, theo tờ trình số 168 gửi Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội đề xuất di dời 10 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch (do không phù hợp với hoạch xây dựng), thuộc trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch sau khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Cụ thể, trong số 10 cơ sở này, quận Hoàn Kiếm có 3 cơ sở, gồm: Công ty In báo Nhân dân, địa chỉ tại 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500 m2; toà soạn báo Lao Động, địa chỉ tại 51 Hàng Bồ, diện tích 359 m2, hiện đóng cửa để không, không cho thuê, không sản xuất; Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội mới, địa chỉ tại 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800 m2, hiện có nhà máy in, trong đó một phần diện tích là nhà hàng ăn uống.
Quận Ba Đình có 1 cơ sở, là nhà máy bia Hà Nội (Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội), địa chỉ tại 183 Hoàng Hoa Thám, diện tích hơn 52.000 m2, hiện vẫn đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm. Đáng chú ý, theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp + công cộng + trường THPT + cây xanh + nhà ở + bãi đỗ xe.
Quận Thanh Xuân có 2 cơ sở, gồm: Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, diện tích hơn 64. 000 m2, đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Theo quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của thành phố và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.
Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2, là văn phòng và cơ sở sản xuất. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.
Quận Long Biên có 2 cơ sở, gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 200 m2, hiện là trụ sở Công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe.
Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000 m2, đang là bể chứa xăng dầu. Theo quy hoạch, khu đất sẽ có chức năng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.
Quận Đống Đa có 1 cơ sở, là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, địa chỉ tại số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800 m2, hiện là văn phòng làm việc.
Quận Bắc Từ Liêm có 1 cơ sở, là Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, địa chỉ tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000 m2, hiện trạng một phần đã phân cho cán bộ công nhân viên, một phần hoạt động nghiên cứu công nghệ ngành hoá chất, sản xuất thuốc tuyển quặng. Theo quy hoạch, vị trí này là đất cơ quan, viện nghiên cứu.
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ì ạch di dời bởi đất "vàng"
Thực tế cho thấy, từ năm 2003 đến nay, sau 17 năm, việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch di dời nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi nội đô vẫn còn "ì ạch".
Dù ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 74/2003 để thực hiện nhưng đến nay hàng loạt nhà máy vẫn nguyên hiện trạng, gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Đến năm 2012, Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết số 12 nêu rõ thời hạn hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất này là đến năm 2020. Cùng thời điểm này, Luật Thủ đô 2012 cũng ra đời và quy định, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một thực trạng đáng cảnh báo là tình trạng "nhà máy chưa đi, chung cư đã đến".
Theo đó, trong khi việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô hết sức ì ạch thì số ít cơ sở di dời được thì ngay lập tức trên các vị trí "đất vàng" lại xuất hiện các dự án chung cư, trung tâm thương mại,... mà không phải các công trình công cộng.
Theo một khảo sát mới đây của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tại 39 nhà máy thuộc diện di dời tại quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, cho thấy hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và có tới 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề.
Nhận định về thực trạng trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng Hà Nội đã có đầy đủ đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nhưng quá trình thực hiện lại vẫn có tồn tại.
Ghi nhận thực tế tại một trong những điểm nóng di dời nhà máy những năm gần đây là Nhà máy thuốc lá Thăng Long cho thấy từ nhiều năm trước, người dân khu vực này đã nhiều lần gửi đơn phản ánh lên cơ quan chức năng về việc phải sống trong lo lắng về sức khỏe bởi mùi thuốc lá nồng nặng khắp khu dân cư.
Sau nhiều năm có chủ trương di dời, được biết, đến nay, Công ty Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi gần như đã di dời xong nhà máy lên Khu công nghiệp Thạch Thất. Tuy nhiên trên khu đất này theo một số thông tin sẽ được một tập đoàn bất động sản lớn sử dụng cho mục đích đầu tư bất động sản, xây dựng khu đô thị.
TS.KTS. Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Một điều lạ là Hà Nội dường như đang dễ dàng quá mức trong việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược, là gia tăng mật độ, gia tăng diện tích xây nhà cao tầng và cắt giảm diện tích không gian xanh, hồ nước, trong khi lẽ ra phải điều chỉnh theo hướng giảm.
"Đó là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp", TS.KTS. Ngô Doãn Đức nhận định.