Xây dựng các Nghị định chi tiết góp phần khơi thông nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước

Hải Sơn | 18:43 09/07/2025

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc xây dựng các Nghị định quy định chi tiết sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Xây dựng các Nghị định chi tiết góp phần khơi thông nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 09/7/2025, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).

Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 14/6/2025, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp Luật số 68/2025/QH15 (Luật số 68).

Luật xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.

Để triển khai thực hiện Luật số 68, Bộ Tài chính đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Luật gồm 05 Nghị định của Chính phủ; trong đó, có 02 Nghị định do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo; 03 Nghị định do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15, gồm: (i) Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Các dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các Nghị định hiện hành, có rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp với tinh thần Luật số 68/2025/QH15 và thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua.

Ba dự thảo Nghị định mới khơi thông nguồn lực

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 36 Điều, quy định cụ thể các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Trong đó, việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn.

Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 50 điều, với nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp.

toan-canh-20k.jpg

Theo đó việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì giám sát, kiểm tra ba nội dung, đó là: đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì giám sát, kiểm tra công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đơn cử, Bộ Tư pháp kiểm tra, giám sát việc ban hành chính sách pháp luật; Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Liên quan đến công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện, các dấu hiệu mất an toàn tài chính tiếp tục được kế thừa từ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; đồng thời, bổ sung thêm 2 dấu hiệu xem xét, xác định khả năng mất an toàn tài chính đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, bao gồm: lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm liên tiếp 2 năm trở lên; ý kiến kiểm toán về vấn đề ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động của doanh nghiệp, khả năng hoạt động liên tục.

Về dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết, gồm 8 chương, 100 điều và 3 phụ lục, dự thảo khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua và quy định chi tiết các nội giao Chính phủ tại chương IV Luật số 68/2025/QH15.

Dự thảo kế thừa quy định còn phù hợp về cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, như các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, kế thừa các quy định hiện hành về chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể doanh nghiệp.

Bổ sung quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp để làm cơ sở thực hiện.

Những nội dung đổi mới của Luật và các Nghị định quy định chi tiết sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xây dựng các Nghị định chi tiết góp phần khơi thông nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO