Bộ Tài chính cho rằng, tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo ra những rủi ro về chính trị - xã hội, cân đối tài chính - tiền tệ… vẫn còn tiềm ẩn trong 3 năm tới.
Với Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang tạo thêm nhiều khó khăn, thách thức đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo áp lực lớn đối với thu, chi và cân đối ngân sách Nhà nước của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2024.
Ngoài ra, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý hiệu quả như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, độ mở nền kinh tế cao; mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực và năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế…
Tuy nhiên, với Việt Nam điểm thuận lợi vẫn là tình hình chính trị ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, môi trường đầu tư được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, Bộ Tài chính đặt ra mực tiêu phấn đầu thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2024 là khoảng 4,65 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 15,1%GDP (từ thuế, phí gần 13%).
Từ năm 2022 sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu để tỷ trọng thu nội địa đến năm 2024 phấn đầu đạt gần 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính dự kiến chi khoảng 5,8 triệu tỷ đồng. Điều lo lắng nhất là dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với đối với kế hoạch ngân sách Nhà nước trung hạn 3 năm 2022-2024, trong đó sẽ tác động mạnh đến kế hoạch chi.
Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2022-2024 khoảng 3,8%GDP và nợ công đến năm 2024 khoảng 43-44%GDP.
Để đạt được mục tiêu này Bộ Tài chính đã đặt ra một số giải pháp như ttrung hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán đối với các chủ thể trong nền kinh tế, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện hành, huy động tối đa các nguồn lực. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền đi đôi với yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế đối phó với dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế: miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí cho các ngành, lĩnh vực, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chủ động có các giải pháp về nguồn cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn; kịp thời hỗ trợ phòng chống, khắc phục thiên tai…
Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường quản lý đầu tư công, đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, rà soát việc duy trì, quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách,…
Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công; quán triệt nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho ĐTPT; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ của nền kinh tế.
Tập trung đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung – cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm nghiệp vụ; tăng cường công khai, minh bạch…