Từ năm 2020, nhằm hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Trong năm 2021, khi diễn biến dịch Covid-19 còn hết sức phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu tiếp tục ban hành các giải pháp miễn, giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cũng được thực hiện để các chính sách đi nhanh vào cuộc sống.
Theo Nghị định 92 sẽ có một số loại thuế được giảm gồm Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế giá trị gia tăng, miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và miễn tiền chậm nộp.
Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định được thiết kế theo hướng kế thừa hầu hết các quy định của Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, có bổ sung quy định chi tiết một số nội dung để phù hợp với Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14.
Theo đó, “không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021”.
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung quy định rõ doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế. Theo đó, doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác” để đảm bảo minh bạch, tránh vướng mắc trong thực hiện.
Về thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 92 quy định cụ thể: Về xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, theo quy định nêu trên thì mới chỉ thể hiện về nguyên tắc chung việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ theo ngành kinh tế. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng thì cần phải phân loại, xác định cụ thể từng hàng hóa, dịch vụ.
Liên quan đến quy định miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Nghị định 92 quy định rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 năm 2021.
Những trường hợp đã nộp số thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý quý 3 và quý 4 năm 2021 thì sẽ được cơ quan thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, việc triển khai Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số tiền thuế, tiền chậm nộp được hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.