Theo kế hoạch vận tải năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%.
Tuy nhiên, do tác động của việc tăng giá nhiên liệu, tỷ lệ này hiện lên đến 29% khiến chi phí vận tải bị đội lên từ 15-20% so với kế hoạch ban đầu.
Bộ Tài chính cho biết, khoảng 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định phải kê khai giá cước từ 10-15% để bù đắp chi phí nhiên liệu và tăng từ 7-10% đối với giá cước vận tải hàng hóa.
Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị bằng xe buýt, hầu hết hiện đều được trợ giá, nên giá vé vẫn duy trì ổn định nhưng chi phí phát sinh sẽ khiến chi phí trợ giá bị đội lên.
Để cạnh tranh về giá dịch vụ so với các phương thức vận tải khác, giá cước vận tải hành khách của ngành đường sắt hiện vẫn duy trì ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút khách hàng.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, do đặc thù về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của ngành đường sắt so với các phương thức khác nên mức tăng giá cước vận tải hàng hóa chỉ từ 3 - 5%.
Đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng lo ngại tác động tiêu cực do ảnh hưởng giá nhiên liệu, do đó đề nghị các Cục Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.
Trong trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách Nhà nước. Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu phí, lệ phí, báo cáo Bộ để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành thông tư theo thẩm quyền.
Đối với giá cước vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ ngành quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hàng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp…